Các chuyên gia thị trường nhận định, tiến triển trong sản xuất vaccine ngừa dịch COVID-19 làm gia tăng hy vọng về triển vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu.
Một nhân tố khác hỗ trợ giá dầu là quyết định chấp thuận việc phân bổ tiền viện trợ của chính phủ cho quá trình chuyển giao quyền lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bước đi này được ông Joe Biden nhận định là rất quan trọng để tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra "suôn sẻ".
Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,80 USD (3,9%) lên 47,86 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,85 USD (4,3%) lên 44,91 USD/thùng. Trong phiên này, giá dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng Ba, thời điểm trước khi giá dầu lao dốc do cuộc chiến giá cả giữa Saudi Arabia và Nga. Cả hai loại dầu chốt phiên trước tăng khoảng 2%, sau khi tăng 5% trong tuần trước.
Giá dầu thế giới đang có mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Ngày 23/11, hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh cho biết, vaccine ngừa COVID-19 do hãng này bào chế cho thấy hiệu quả 70% trong các thử nghiệm có tính quyết định và có thể hiệu quả tới 90%, hứa hẹn trở thành loại vaccine thứ ba trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của toàn cầu, sau vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nếu có một vaccine được phát triển phổ biến vào cuối năm tới thì nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2021 sau khi tụt giảm 4,5% trong năm nay. Nếu tiến trình phát triển vaccine được đẩy nhanh hơn, nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 7% trong năm 2021.
Moderna tuyên bố vaccine của họ có hiệu quả hơn 94% trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 (Nguồn: Reuters)
Đại dịch COVID-19 cùng với sự thất bại của thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dẫn đầu đã khiến giá dầu lao dốc vào tháng Ba.
Các nhà phân tích tại National Australia Bank nhận định rằng triển vọng nhu cầu trong ngắn hạn vẫn còn yếu, đặc biệt khi một loạt quốc gia châu Âu thực hiện giãn cách xã hội (mặc dù ở các mức độ khác nhau) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mức tiêu thụ. Có thể sẽ phải mất một thời gian đáng kể để nhu cầu phục hồi do hoạt động đi lại quốc tế vẫn bị hạn chế.
Hồi tháng 9, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới trong năm nay xuống 91,7 triệu thùng/ngày, giảm 8,4 triệu thùng/ngày so với cùng kì năm trước và giảm 8,1 triệu thùng/ngày so với dự đoán hồi tháng 8 của IEA.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!