Goldman Sachs dự báo nguồn cung dầu toàn thế giới sẽ được bổ sung thêm khoảng 800.000 thùng/ngày. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Thời điểm 10h26' ngày 13/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao dịch ở mức 72,2 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI giao dịch ở mức 67,37 USD/thùng, theo dữ liệu từ Oilprice.
Trước đó, trong phiên 12/6, giá dầu thế giới giảm khoảng 3 USD/thùng khi giới phân tích nhấn mạnh nguồn cung toàn cầu đang gia tăng, trong khi lo ngại về tăng trưởng nhu cầu.
Những lo ngại trên được đưa ra ngay trước khi Mỹ công bố báo cáo quan trọng về lạm phát và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,95 USD (tương đương 3,9%) xuống 71,84 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,05 USD (4,4%) xuống 67,12 USD/thùng.
Cả dầu Brent và WTI đều trượt dốc sau khi thị trường tiếp nhận thông tin ngày 11/6, Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu với lý do nguồn cung sẽ cao hơn dự kiến vào cuối năm nay và năm 2024. Ngân hàng này dự báo giá dầu thô Brent tháng 12 giảm xuống 86 USD/thùng từ mức 95 USD/thùng trước đó và giá dầu WTI xuống 81 USD/thùng từ mức 89 USD/thùng.
Goldman Sachs cũng dự báo nguồn cung dầu toàn thế giới sẽ được bổ sung thêm khoảng 800.000 thùng/ngày, chủ yếu đến từ Nga, Iran và Venezuela.
"Nguồn cung từ Nga gần như đã phục hồi hoàn toàn bất chấp việc nhiều công ty đã ngừng mua dầu do các lệnh trừng phạt của phương Tây", báo cáo của Goldman Sachs cho biết.
Theo nhà phân tích Matt Smith của Kpler, việc Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu dường như là chất xúc tác để thúc đẩy việc bán dầu.
Trong một diễn biến khác, nhà phân tích Robert Yawger của ngân hàng UBS cho biết, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng này, giới đầu tư lo ngại rằng việc tăng lãi suất có thể sẽ tiếp tục vào tháng tới.
Rob Haworth, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại US Bank Asset Management, cho biết cuộc họp của FED và áp lực lạm phát vẫn là những vấn đề chính đối với thị trường trong tuần này. Haworth cho rằng các nhà đầu tư sẽ phải theo dõi chặt chẽ cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell để nắm bắt lộ trình lãi suất dự kiến.
Các nhà phân tích dự đoán, nhiều khả năng FED sẽ giữ nguyên lãi suất sau 1 năm tăng mạnh để kiềm chế lạm phát. Nếu đúng như dự báo, quyết định này của FeD sẽ giúp giá dầu tăng trở lại.
Trrong trường hợp FED tăng lãi suất sẽ khiến hàng hóa được định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, gây áp lực lên giá dầu.
Sự phục hồi nhu cầu dầu chậm ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế hàng đầu thế giới, cũng đè nặng lên tâm trí của giới nhà đầu tư.
Giới chuyên gia cho rằng, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc chưa có dấu hiệu tăng như dự báo có thể lên tới 2 triệu thùng/ngày, vốn là một lượng đáng kể. Do đó, thị trường chắc chắn có những lo ngại rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ cắt giảm dự báo nhu cầu dầu.
OPEC và IEA sẽ công bố bản cập nhật tình hình thị trường hàng tháng vào thứ Ba tuần này (13/6, giờ địa phương).
Tuần trước, cả dầu Brent và dầu WTI đều có tuần giảm thứ hai liên tiếp sau khi dữ liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc xóa đi động lực tăng giá từ cam kết cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia trong tháng 7.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!