Đây là thông điệp của các khách mời trong cuộc toạ đàm "Giá thành điện - Thực trạng và giải pháp" được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều nay tại Hà Nội.
Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến cho rằng giá thành sản xuất điện hiện vẫn chưa được tính đúng, tính đủ và mang màu sắc "bao cấp", bù trừ. Do vậy, sự phân định giữa giá điện phục vụ sản xuất, với giá điện phục vụ các mục tiêu xã hội, mục tiêu an sinh nhiều lúc còn chưa rõ ràng. Dẫn đến giá bán điện còn chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra, thực tế là giá điện bán ra còn thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất và so với các nước trong khu vực và thế giới. Do vậy, việc thực hiện lộ trình tăng giá điện sẽ tạo điều kiện phát triển bền vững ngành điện nói riêng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta nói chung.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận định: "Hiện nay, theo số liệu kiểm tra của liên Bộ, liên ngành năm 2023, giá thành điện cao hơn giá bán bình quân khoảng 6,7%. Như chúng ta biết, giá đầu vào của giá thành điện trong những năm vừa qua như giá than trên thế giới tăng rất cao, cơ cấu nguồn điện trong năm vừa qua nắng nóng, nắng hạn nhiều sản lượng điện từ thủy điện giảm đi, chỉ còn 30% cho nên chúng ta phải chạy các điện nền như điện than, điện dầu, điện khí mà giá thành rất cao nên làm cho giá thành cao. Cộng với việc chúng ta thiếu điện, vẫn phải mua một sản lượng điện nhất định, trong đó tỷ giá tăng cao hơn những năm trước. Tất cả những yếu tố đó làm cho giá thành điện tăng lên 2.088 đồng/kwh, trong khi đó, giá bán của chúng ta chỉ có 1.955 đồng nên gây lỗ cho sản xuất kinh doanh điện".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!