Trong khi đó, đồng Euro giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần sau khi Nga thông báo tạm dừng cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 1 trong 3 ngày vào cuối tháng này, đe dọa làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm sau khi ngân hàng trung ương nước này giảm lãi suất tiêu chuẩn, bổ sung thêm các biện pháp nhằm nới lỏng tiền tệ và củng cố nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại vì ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống đại dịch COVID-19 và khủng hoảng bất động sản.
Ngược lại, các đồng tiền của Australia và New Zealand phục hồi mạnh mẽ từ các mốc thấp nhất trong gần 5 tuần được ghi nhận trước đó, một phần nhờ giá cả hàng hóa đã ổn định hơn.
Chỉ số giá trị đồng USD, đo giá trị đồng bạc xanh với các đồng tiền còn lại trong rổ tiền tệ, lần đầu tăng lên mức 108,26 kể từ ngày 15/7 trong phiên giao dịch ở thị trường châu Á trước khi về ổn định ở mức 108,12.
Tuần trước, chỉ số trên tăng 2,33%, mức tăng điểm theo tuần tốt nhất được ghi nhận từ tháng 4/2020 trong khi các nhà hoạch định chính sách của FED nhấn mạnh cần phải hành động nhiều hơn để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Mới đây, Thống đốc FED chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, ngày 19/8, cho biết hầu hết các ngân hàng trung ương đều đang hướng đến biện pháp tăng lãi suất nhanh hơn.
Rodrigo Catril, chuyên gia chiến lược thị trường ngoại hối tại Ngân hàng quốc gia Australia, cho rằng các quan chức FED gần gần đây đều nhấn mạnh sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất mới trong bối cảnh lạm phát vẫn chưa được kiềm chế hoàn toàn, khiến các thị trường xáo trộn. Trong khi đó, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ nhấn mạnh biện pháp siết chặt chính sách tiền tệ sẽ chưa thể kết thúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!