Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng

L.T-Thứ hai, ngày 23/09/2024 06:39 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trước những lo ngại về nguồn cung do ảnh hưởng của lũ lụt ở một số khu vực.

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua hầu hết ổn định, không có nhiều biến động. Song giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trước những lo ngại về nguồn cung do ảnh hưởng của lũ lụt ở phía Bắc.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại lúa có giá ổn định, tạm thời cắt đà giảm của tuần trước như: Đài thơm 8 có giá từ 8.000 - 8.200 đồng/kg; Lúa OM 5451 có giá từ 7.600 - 7.900 đồng/kg; IR 50404 từ 7.300 - 7.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 18 từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…

Hiện nhiều tỉnh Nam Bộ đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ nông dân thu hoạch dứt điểm lúa vụ Hè Thu trước tình hình mưa dông được báo vẫn còn kéo dài và triều cường đang dâng cao; đồng thời sớm dứt điểm gieo cấy vụ Thu Đông.

Đến ngày 12/9, theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ Hè Thu 2024 được 1,249 triệu ha/1,469 triệu ha với năng suất khoảng 59,93 tạ/ha, sản lượng đạt 7,483 triệu tấn lúa.

Vụ Thu Đông 2024 đã xuống giống được 597.000 ha/700.000 ha diện tích kế hoạch; cùng với đó các địa phương đã bắt đầu thu hoạch được 28.000 ha.

Về xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên trước những lo ngại về nguồn cung do ảnh hưởng của lũ lụt ở một số khu vực. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm đang ở mức 567 USD/tấn.

Một doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, ngoài vấn đề do ảnh hưởng của mưa bão tác động đến nguồn cung lúa gạo từ nay đến cuối năm, các hợp đồng xuất khẩu doanh nghiệp đã ký rất lớn, giá gạo xuất khẩu được ký với giá thấp, do đó, doanh nghiệp cố để chờ mua với giá thấp. Tuy nhiên, sau thời gian chờ không được, buộc các doanh nghiệp phải mua gạo để trả đơn hàng cho đối tác đã ký.

Hiện nhiều doanh nghiệp đang lo nguồn hàng cho các đơn hàng đã ký, do đó, họ cũng không quá quan tâm đến các đơn hàng mới.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo các loại, thu về 4,06 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng nhẹ 6% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 21%.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết, không dễ để đưa ra được nhận định về giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, xu hướng giá gạo xuất khẩu giảm từ nay đến cuối năm là khó. Ông Nam cho hay, lượng gạo để xuất khẩu từ nay đến cuối năm không còn nhiều. Trong khi đó, Philippines dự kiến còn nhập khoảng 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam.

Để hỗ trợ xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đã và đang triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

World Bank sẽ mua tín chỉ carbon ngành lúa gạo World Bank sẽ mua tín chỉ carbon ngành lúa gạo

VTV.vn - Phía World Bank đã đề xuất cơ chế chi trả tiền giảm phát thải carbon dựa trên kết quả cho Đề án 1 triệu ha lúa với đơn giá 10 USD/1 tín chỉ carbon giảm phát thải.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước