Ngày 3/6, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ vào tháng 5/2021, tăng 40% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Theo báo cáo, Chỉ số giá lương thực của FAO đứng ở mức 127,1 điểm trong tháng 5/2021, thấp hơn 7,6% so với mức đỉnh hồi tháng 2/2011. Tất cả 5 thành phần của chỉ số đều tăng trong tháng qua, dẫn đầu là dầu thực vật, ngũ cốc và đường. Những con số này làm tăng rủi ro lạm phát trên diện rộng và tạo thêm nhiều phức tạp trong nỗ lực kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương.
Diễn biến chỉ số giá lương thực toàn cầu hàng tháng trong hơn thập kỷ qua. Đồ họa: Bloomberg.
Trước đó, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá lương thực trong tháng 4 là 120,9 điểm, tăng 1,7% so với tháng 3 và cao hơn 30,8% so với năm 2020. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2014, song vẫn thấp hơn 12% so với mức cao nhất mọi thời đại là vào tháng 2/2011.
Giá lương thực tăng mạnh xảy ra khi đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người bị mất việc làm, qua đó gia tăng thêm lo ngại về vấn đề an ninh lương thực vốn đã khá cao do xung đột và biến đổi khí hậu.
Hạn hán ở các vùng nông nghiệp quan trọng của Brazil đang làm tê liệt nguồn cung các loại cây trồng từ ngô đến cà phê. Tăng trưởng sản lượng dầu thực vật đã chậm lại ở Đông Nam Á. Ngoài ra, FAO lưu ý rằng giá ngũ cốc tăng "ngay cả khi sản lượng ngũ cốc thế giới đang đạt mức cao kỷ lục mới".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!