Xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 60%. Phần còn lại 40% tiêu thụ trong nước hoặc được tách múi cấp đông. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư công nghệ cho cấp đông sầu riêng, góp phần giải quyết đáng kể lượng sầu riêng không xuất khẩu.
Trung bình hàng năm, Công ty TNHH Long Thủy, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng thu mua khoảng 20.000 tấn sầu riêng. Trong đó, khoảng 12.000 tấn được xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc. 6.000 tấn còn lại, doanh nghiệp phải tìm cách xử lý, tránh thất thoát.
Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Long Thủy, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng cho biết: "Tỷ lệ rơi rớt 40%, tồn dư đó không thể tiêu thụ trong nước hết, mà cần có cơ sở cấp đông xử lý những quả không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu".
Cấp đông sầu riêng sẽ giúp giảm áp lực mùa vụ.
Theo yêu cầu của các nước nhập khẩu, sản phẩm sầu riêng cấp đông phải đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, độ đường múi sầu riêng đạt trên 28%, sản phẩm phải luôn tươi... Do đó, yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu phải đầu tư hệ thống cấp đông đạt chuẩn.
"Tiêu chuẩn Trung Quốc đưa ra khắt khe, an toàn thực phẩm, nhà máy cấp đông đạt tiêu chuẩn, hàng phải sạch, không nhiễm khuẩn, chất độc hại thì mới xuất khẩu. Vì là mặt hàng ăn liền nên Trung Quốc cũng rất khắt khe", ông Trịnh Đình Đức - Công ty TNHH Đức Huệ, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng cho hay.
Diện tích trồng sầu riêng Lâm Đồng hiện khoảng 20.000 ha, sản lượng ước đạt 124.000 tấn. Với 23 đơn vị đang thực hiện cấp đông sầu riêng, năng lực chế biến khoảng 1.600 tấn, thời gian qua, các cơ sở này đã xử lý lượng lớn sầu riêng tồn đọng trong nước. Dù mang lại giá trị cao hơn nhiều so với quả sầu riêng tươi, nhưng lâu nay, sầu riêng cấp đông vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!