Giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh

VTV Digital-Thứ năm, ngày 13/08/2020 06:04 GMT+7

VTV.vn - Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho thấy, 7 tháng đầu năm, dù khối lượng xuất khẩu gạo giảm nhẹ về lượng nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh.

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn, giảm nhẹ về lượng nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng mạnh đạt 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Với những tín hiệu tích cực hiện nay, dự báo Việt Nam sẽ vượt Thái Lan vươn lên vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong năm nay.

Hiện giá lúa tươi bán tại ruộng ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ đã tăng khá cao, từ 5.600 - 6.100 đồng/kg, bà con rất phấn khởi.

Tín hiệu tích cực cũng đến với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đại diện một doanh nghiệp ở Cần Thơ cho biết, cả năm 2019 doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 70.000 tấn, thì riêng 7 tháng đầu năm nay, con số này đã đạt được 50.000 tấn. Dự báo, cả năm sẽ tăng hơn 30% so với năm 2019. Giá trị xuất khẩu gạo tăng rất cao, khi có những hợp đồng xuất khẩu gạo thơm lên tới 900 USD/tấn.

Giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh - Ảnh 1.

Để gạo Việt có được thương hiệu trên trị trường thế giới, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đi vào sản xuất chủng loại gạo sạch, gạo hữu cơ. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Theo các chuyên gia, thị trường gạo nội địa nóng lên, xuất khẩu phục hồi tốt, đặc biệt ở thị trường châu Âu, là 2 nhân tố chính kích đà tăng giá của gạo.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến cuối tháng 7 qua, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đã đạt 1,9 tỷ USD, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều DN Việt đã đàm phán với đối tác để in nhãn mác, công ty Việt trên bao bì. Đây là cũng là tín hiệu tích cực để nâng cao nhận diện thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới dự báo đạt đỉnh

Bên cạnh những thuận lợi khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, gam màu sáng trong xuất khẩu gạo của Việt Nam còn đến từ nhiều yếu tố khác. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm 2020 - 2021.

FAO ước tính sản lượng gạo toàn cầu đạt gần 510 triệu tấn trong cả năm 2020, tức tăng 1,7% so với năm 2019. Con số này cao hơn mức dự báo được đưa ra hồi tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - Thái Lan - lại đang chứng kiến mức giảm liên tục, do chi phí sản xuất gạo cao và đồng Baht mạnh đã khiến giá gạo Thái trở nên đắt hơn so với gạo của các đối thủ cạnh tranh.

Giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh - Ảnh 2.

Tính đến cuối tháng 7 qua, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước đã đạt 1,9 tỷ USD. (Ảnh: Dân trí)

Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan thông tin, Chính phủ nước này đang cân nhắc thay đổi chính sách gạo, trong đó tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu các giống gạo mới.

Những thuận lợi để đạt giá trị cao trong xuất khẩu gạo đã nhìn thấy rõ, nhưng đặt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc bảo đảm an ninh lương thực vẫn là nhiệm vụ cần được chú trọng.

Cải thiện chất lượng để mở rộng thị trường xuất khẩu

Ngoài các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đang có cơ hội tiếp cận rộng hơn ở thị trường EU khi EVFTA đã có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện gạo Việt Nam xuất hiện rất ít, thậm chí là hiếm ở các siêu thị khối EU. Gạo Thái Lan và Campuchia vẫn chiếm ưu thế ở thị trường này. Do đó, để mở rộng thị trường, giữ vị thế, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sẽ là hướng đi lâu dài và bền vững.

Theo chuyên gia, những đặc tính trên gạo Việt Nam như: mùi thơm tự nhiên ẩn trong từng hạt gạo, gạo dẻo nhưng khi nấu lên phải khô... đã có những chưa nhiều và muốn chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính như EU, cần phải phát triển nhiều hơn nữa.

Giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh - Ảnh 3.

Dự báo, Việt Nam sẽ vượt Thái Lan vươn lên vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong năm nay. (Ảnh: Dân trí)

Bộ Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống lúa trong thời gian qua. Đặc biệt, thời gian tới, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các giống lúa theo yêu cầu của từng thị trường, như giống lúa thơm sẽ được phát triển để phục vụ thị trường EU.

Đó là nhiệm vụ lâu dài, còn trước mắt để đảm bảo mục tiêu từ nay đến cuối năm đạt 43 triệu tấn thóc trong đó có 7 triệu tấn gạo xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp cũng đã kịp thời điều chỉnh mở rộng diện tích vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, để gạo Việt có được thương hiệu trên trị trường thế giới, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đi vào sản xuất chủng loại gạo sạch, gạo hữu cơ. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường mới, tìm hợp đồng thương mại cho hạt gạo chất lượng cao.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan

VTV.vn - Từ ngày 8/8 đến nay, giá gạo Việt Nam xuất bán trên thị trường thế giới dao động 478 - 482 USD/1 tấn, cao hơn giá xuất khẩu gạo Thái Lan khoảng 15 USD/ 1 tấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước