Giải ngân vốn đầu tư công: Cần làm rõ “có tiền mà không tiêu được”

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 22/10/2021 06:10 GMT+7

VTV.vn - Nhiều đại biểu cho rằng hiện giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm, cần làm rõ và sớm xử lý bất cập "có tiền mà không tiêu được".

Sáng 21/10, tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch năm 2022, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ngày 20/10. Tuy nhiên, một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặt vấn đề là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiệm vụ quan trọng - giải ngân vốn đầu tư công - để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng đang rất chậm, cần làm rõ và sớm xử lý bất cập "có tiền mà không tiêu được".

Theo một số đại biểu, cùng một hành lang pháp lý như nhau, có bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao, nhưng cũng có nơi ì ạch, thậm chí từ đầu năm đến nay mới chỉ đạt 1%. Như vậy, rõ ràng là có nguyên nhân liên quan đến sự thiếu quyết liệt của người đứng đầu các đơn vị, các dự án.

Ngoài ra, một nguyên nhân cố hữu khác làm ách tắc tiến độ giải ngân là công tác giải phóng mặt bằng, luôn gặp vướng mắc ở hầu hết các dự án. Các đại biểu cho rằng cần xem xét sửa Luật để tách công việc này thành một dự án riêng.

Giải ngân vốn đầu tư công: Cần làm rõ “có tiền mà không tiêu được” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Giải trình tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai, mà còn tạo thêm nguồn lực để đầu tư cho chính dự án đó.

"Nếu chúng ta tách được phần đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án thì có nghĩa là chúng ta giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch được phê duyệt và nếu theo đúng quy hoạch được phê duyệt thì chúng ta lại khai thác được quỹ đất hai bên đường. Ví dụ đường rộng 30m thì có thể thiết kế ra mỗi bên khoảng 40m nữa có nghĩa chúng ta sẽ được mỗi bên 2 lô mặt đường thì mình sẽ đền bù theo quy hoạch được duyệt và sau đó lấy tiền đền bù hai bên đường để làm con đường thì ngân sách Nhà nước có khi không phải bỏ ra, mà lợi ích của Nhà nước vẫn được đảm bảo", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Đến thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt chưa đến 50%. Các đại biểu cho rằng, một nguyên nhân quan trọng nữa nằm ở khâu chuẩn bị đầu tư chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả. Hiện vẫn còn hơn 40.000 tỷ đồng chưa được phân bổ nên không thể giải ngân. Nghịch lý "có tiền mà không tiêu được" cần phải được làm rõ, đâu là vấn đề thuộc về pháp lý để chỉnh sửa, đâu là vấn đề thuộc về trách nhiệm cá nhân, đơn vị thực thi thì phải được xử lý ngay để tránh lãng phí nguồn lực ngân sách trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Đầu tư công và xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế Đầu tư công và xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế

VTV.vn - Đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước