Giải pháp đảm bảo cung ứng vốn cho vay sản xuất kinh doanh cuối năm?

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 04/12/2022 12:47 GMT+7

VTV.vn - Khi nền kinh tế đang ở giai đoạn cao điểm sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bài toán vốn lại càng cần có lời giải hơn.

Đảm bảo nguồn vốn vay cho doanh nghiệp dịp cuối năm

Hiện đang là tháng cuối cùng của năm - thời điểm này cũng là cao điểm sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhu cầu vốn vay vì thế cũng tăng cao. Một trong những vấn đề đang được doanh nghiệp quan tâm hiện nay là làm sao có đủ nguồn vốn cho sản xuất, trong bối cảnh hạn mức tín dụng của các ngân hàng vẫn đang bị giới hạn ở mức 14% để ưu tiên cho mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo mới của Tổng Cục Thống kê, 11 tháng năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,2% của năm ngoái. Con số cho thấy hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục phục hồi.

Tuy nhiên, một báo cáo khác của S&P Global về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 11 lại cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới đã giảm lần đầu tiên trong 14 tháng, chủ yếu do nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi. Vì vậy, để có thể cạnh trạnh giữ được đơn hàng, các doanh nghiệp hết sức cần sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay giá rẻ.

Giải pháp đảm bảo cung ứng vốn cho vay sản xuất kinh doanh cuối năm? - Ảnh 1.

Hiện đang là tháng cuối cùng của năm - thời điểm này cũng là cao điểm sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhu cầu vốn vay vì thế cũng tăng cao. Ảnh minh họa.

CTCP Vận tải Quốc tế Protraco chuyên cung cấp dịch vụ logistic cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mỗi tháng đều cần khoảng 35 tỷ đồng để thanh toán trước tiền vận chuyển cho đối tác. Nếu không có dòng vốn này, hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

Đang vay với mức lãi suất 8%, doanh nghiệp nhìn nhận đây là mức khá ưu đãi. Nhưng vì phần lớn các nguyên vật liệu đầu vào đều phải nhập khẩu, doanh nghiệp kỳ vọng, ngoài lãi suất, tỷ giá sẽ tiếp tục được giữ ổn định để hạn chế tác động tới giá thành sản xuất.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn được đơn giản thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình cho vay, đặc biệt với gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước để giảm bớt phần nào gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Giảm lãi suất cho vay hỗ trợ phục hồi kinh tế

Một mối lo khác của doanh nghiệp khi vay vốn là lãi suất, nhất là khi lãi suất đang chịu áp lực tăng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất huy động trên 6 tháng đã tăng khoảng 3,5 - 4%/năm so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, công ty này nhận định đà tăng của lãi suất cho vay đã chậm hơn so với lãi suất huy động nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế. Thậm chí, mới đây đã có 2 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên.

Hơn 175.000 khách hàng đang vay vốn ở ngân hàng Vietcombank sẽ được giảm tới 1% lãi suất cho vay dịp cuối năm. Đây là đợt giảm lãi suất với quy mô dư nợ lớn nhất của ngân hàng, nhằm chia sẻ khó khăn cùng người vay vốn.

"Rất nhiều đối tượng giảm trong đợt này, trong đó có nhóm là sản xuất kinh doanh, ngành hàng xuất khẩu, nông nghiệp, môi trường... quy mô dư nợ khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng một nửa danh mục tín dụng của chúng tôi…", ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay.

Giải pháp đảm bảo cung ứng vốn cho vay sản xuất kinh doanh cuối năm? - Ảnh 2.

Một mối lo khác của doanh nghiệp khi vay vốn là lãi suất, nhất là khi lãi suất đang chịu áp lực tăng trên toàn cầu. Ảnh minh họa.

Ngân hàng HDBank cũng vừa công bố sẽ giảm lãi vay cho khoảng 43.000 khách hàng từ nay đến cuối năm. Mức giảm 0,5% - 3,5%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thuộc các lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, nông nghiệp, chế biến chế tạo… Ước tính, số lãi giảm khoảng 120 tỷ đồng.

Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank cho hay: "Lãi suất đầu vào không thấp hơn, thậm chí là đang cao hơn và để giảm lãi suất cho vay như vậy không có gì khác hơn là ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần thu nhập lãi của mình, làm cho khách hàng có động lực, nguồn lực để kinh doanh tốt hơn. Khách hàng tốt hơn thì như vậy sau này ngân hàng sẽ có cơ hội làm việc với khách hàng tốt hơn trong tương lai…".

Theo giới phân tích, có thể sẽ chưa ngay lập tức, việc giảm lãi suất cho vay diễn ra đồng loạt nhưng nhiều khả năng khoảng tháng 2/2023, lãi suất sẽ có nhiều dư địa để điều chỉnh giảm. Bởi hiện nay biên lợi nhuận nim hay chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng vẫn ở mức khoảng 4,4% nên các ngân hàng còn dư địa để giảm hoặc giữ lãi suất cho vay.

Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng còn hạn mức tín dụng phải tập trung vốn cho sản xuất. Tính đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng trưởng 11,5%. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm thì vẫn còn dư địa hơn 2% cho 2 tháng cuối năm.

Mục Tiêu điểm của chương trình Dòng chảy tài chính tuần này với sự tham gia của ông Đào Gia Hưng - Phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng VPBank đã có những phân tích, bình luận liên quan đến các vấn đề trên!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước