Giải pháp nào ngăn chặn đường nhập lậu và gian lận thương mại?

Quốc Thái - Chu Bình (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ năm, ngày 31/10/2019 10:40 GMT+7

VTV.vn - Đó là triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, bổ sung hoạt động sản xuấ kinh doanh, sang chiết, phối trộn đóng gói đường là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện...

Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Tổng diện tích mía nguyên liệu giảm 30%-60%. Nguyên nhân được cho là lượng đường nhập lậu quá lớn suốt hơn 2 năm qua dẫn đến nhiều hệ lụy cho ngành mía đường trong nước.

Những vấn đề lớn này đã được đưa ra bàn bạc tại hội nghị chống buôn lậu mặt hàng đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức tại TP.HCM.

Theo số liệu của các lực lượng chức năng từ đầu năm 2018 đến nay, gần 900 vụ buôn lậu đường cát đã được xử lý, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá gần 13 tỷ đồng. Đánh giá của Tổng cục Hải quan cho thấy tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát sang biên giới vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng. Ngoài các tỉnh ở phía Tây Nam như An Giang, Long An, Đồng Tháp, đường cát còn được nhập lậu theo hướng các tỉnh miền Trung.

Đường lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào các biên giới tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ. Thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, thậm chí đưa bao bì in trong nước sang đóng gói ở nước ngoài rồi vận chuyển về Việt Nam. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác.

Đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, con số mà các lực lượng chức năng bắt giữ là 3.000 tấn chưa thấm vào đâu vì ước tính đường lậu từ Thái Lan về Việt Nam thông qua các cửa khẩu Campuchia lên tới 800.000 tấn và kéo dài hàng thập kỷ qua nhưng không có cách nào xử lý triệt để.

Để ngăn chặn tình trạng này, đại diện Tổng Cục Hải quan cho biết cơ quan này sẽ tiến hành điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.

Bên cạnh công tác rà soát tăng cường kiểm tra, Tổng cục Hải quan cho rằng cần sớm triển khai hệ thống truy xuất, ứng dụng công nghệ như QR code để xác định được xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng. Tiếp đến Luật Đầu tư cần được sửa đổi bổ sung để đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Bình Dương: Thu giữ gần 250 tấn đường cát nhập lậu Bình Dương: Thu giữ gần 250 tấn đường cát nhập lậu 'Chiêu trò' đưa đường cát nhập lậu qua biên giới An Giang "Chiêu trò" đưa đường cát nhập lậu qua biên giới An Giang Việt Nam thiệt hại 2.000 tỷ đồng vì đường nhập lậu Việt Nam thiệt hại 2.000 tỷ đồng vì đường nhập lậu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước