Giải pháp tiêu thụ 4 triệu tấn nông sản không bị ùn ứ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/06/2021 21:20 GMT+7

VTV.vn - Khoảng hơn 4 triệu tấn nông sản các loại sẽ cần đầu ra trong 3 tháng tới. Tận dụng công nghệ và gia tăng chế biến nông sản là các giải pháp đang được tích cực triển khai.

Mở rộng tiêu thụ vải thiều trên nền tảng số

Dự kiến sẽ có khoảng hơn 4 triệu tấn nông sản các loại cần tìm đầu ra trong 3 tháng tới đây. Có thể dễ dàng nhìn thấy cả nước sẽ có hàng loạt nông sản vào vụ thu hoạch rộ vải, nhãn, xoài, chuối, chôm chôm, sầu riêng, thanh long, chanh leo.....

Tại Bắc Giang, hội nghị trưc tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với 30 điểm cầu trong và ngoài nước, do Bộ Công Thương vừa tổ chức đã tập trung mạnh vào việc đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử.

Là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, việc chủ động áp dụng phương thức kinh doanh trên nền công nghệ mới đã đem lại những hiệu quả rõ rệt ngay từ đầu vụ.

Giải pháp tiêu thụ 4 triệu tấn nông sản không bị ùn ứ - Ảnh 1.

Bắc Giang tập trung mạnh vào việc đưa quả vải lên các sàn thương mại điện tử.

Năm nay là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam. Dự kiến vụ vải năm nay sẽ có khoảng 8.000 - 10.000 tấn vải thiều được tiêu thụ bằng hình thức này.

Trên cơ sở xác định tiêu thụ trong nước được coi là trọng điểm, "Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia" của Bộ Công Thương đã và đang trở thành một ngôi nhà chung, cho các doanh nghiệp Việt, hợp tác xã chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Quả vải sớm vừa qua, có đến 70% sản lượng được tiêu thụ nội địa đã là cơ sở cho việc tiếp tục có giải pháp thúc đẩy song song với xuất khẩu.

Hiện gian hàng vải thiều của doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng đã được khai trương trên sàn thương mại điện tử Alibaba và đã tạo ra được một kênh xuất khẩu mới qua hình thức B2B sang thị trường Trung Quốc.

Tăng tốc chế biến nông sản

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, bên cạnh thúc đẩy bán sản phẩm tươi, chế biến sâu nông sản vẫn được coi là giải pháp lâu dài, gia tăng giá trị. Lúc này khi nhiều nông sản đang vào cao điểm thu hoạch, nhiều nhà máy cũng tăng tốc vừa tăng sản lượng trữ vào kho, vừa chế biến ngay để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Phòng dịch nghiêm ngặt để đảm bảo sản xuất là nhiệm vụ sống còn của bất cứ nhà máy chế biến nông sản nào thời điểm này. Tại một nhà máy chế biến nông sản Sơn La, một ngày công nhân sẽ phải kiểm tra sức khỏe 3 lần.

500 công nhân được chia thành nhiều ca, duy trì hoạt động 24/24h. Sau 10 tiếng vận chuyển, những trái xoài của Sơn La đã có mặt tại nhà máy. 3 kho lạnh đã được chuẩn bị có thể trữ một lúc lên tới 400 tấn. Xoài được trữ cho đến khi đủ tiêu chuẩn đưa vào chế biến.

Đây là năm thứ 2 quả xoài Sơn La được đưa vào chế biến thành các sản phẩm như xoài đông lạnh, xoài pure xuất khẩu sang châu Âu. Công nghệ chế biến năm nay đã có những thay đổi khi doanh nghiệp đầu tư để nâng công suất.

Giải pháp tiêu thụ 4 triệu tấn nông sản không bị ùn ứ - Ảnh 2.

Trong 3 tháng tới đây, cả nước sẽ có hàng loạt nông sản vào vụ thu hoạch rộ.

Tăng tốc chế biến không chỉ do COVID-19 mà còn do đơn hàng nhà máy đã ký với đối tác từ cuối năm ngoái. Hiện sản phẩm xoài gọt vỏ, cắt miếng, rồi tiến hành cấp đông đang xuất khẩu rất tốt sang thị trường châu Âu. Do có thể giữ sản phẩm được từ 1 - 2 năm nên doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về giá và giao hàng.

Với cách làm này, vùng nguyên liệu chế biến sẽ được tăng mạnh ở các địa phương như Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương…

Cần tăng đầu tư kho lạnh đồng bộ

Những diễn biến thực tế từ chế biến và tiêu thụ nông sản từ mùa dịch COVID-19 lần thứ 4 đã cho thấy kho lạnh cho trữ nông sản là vấn đề cấp thiết. Bên cạnh sự chủ động của các địa phương thì rất cần một chính sách vĩ mô cho đầu tư kho lạnh. Có như vậy mới giải quyết triệt để việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản có tính chất mùa vụ như hiện nay.

Sơn La là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước. Với sản lượng các loại nông sản đều tăng gấp rưỡi năm ngoái do được mùa, nên năm nay địa phương đã chủ động có chính sách hỗ trợ các hợp tác xã mua các container lạnh để trữ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đồng ý hỗ trợ Sơn La xây dựng 5 kho lạnh đặt tại các vùng trọng điểm.

Giải pháp tiêu thụ 4 triệu tấn nông sản không bị ùn ứ - Ảnh 3.

Những diễn biến thực tế từ chế biến và tiêu thụ nông sản từ mùa dịch COVID-19 lần thứ 4 đã cho thấy kho lạnh cho trữ nông sản là vấn đề cấp thiết. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Còn ở nhiều vùng nông thôn, các địa phương đang thử nghiệm xây dựng những kho lạnh nhỏ để hỗ trợ nông dân. Như tại vùng chuyên canh trồng rau Hạ Mỗ, từ cuối năm ngoái, kho lạnh 50 khối này đã được đưa vào hoạt động. Nông dân không bán được hàng hoặc còn thừa có thể gửi miễn phí tại đây.

Dự báo, trong 6 năm tới, tốc độ xây dựng kho lạnh sẽ tăng trưởng khoảng 13% mỗi năm nhờ sự đầu tư của các doanh nghiệp và tập đoàn lớn.

Huy động tổng lực với nhiều giải pháp song song thực hiện để thích ứng với các kịch bản dịch bệnh đã là chủ trương xuyên suốt từ nay đến cuối năm. 4 triệu tấn nông sản cần tiêu thụ sẽ hướng đến mục tiêu không để ùn ứ, không giải cứu.

Hiện cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ. Sự tăng tốc của mỗi nhà máy không chỉ giúp tiêu thụ nông sản mùa vụ mà còn là cơ sở để Việt Nam đón được những cơ hội thị trường hậu COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước