Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.
Theo đó, nông sản từ Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương và Hưng Yên sẽ được giảm cước, với mức giảm tối đa lên đến 50%. Hàng hóa sẽ được vận chuyển trên các toa xe chuyên dụng và container lạnh để đảm bảo chất lượng. Thời gian thực hiện từ ngày từ 11/6 đến hết ngày 31/7.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cam kết với nguồn lực hiện có, các doanh nghiệp vận tải đường sắt sẽ hỗ trợ tối đa các tổ chức, cá nhân, bà con nông dân vùng dịch thực hiện việc vận chuyển hàng nông sản từ các tỉnh phía Bắc tới các tỉnh miền Trung hoặc phía Nam.
Để chung tay trong việc giúp người dân tiêu thụ hàng nông sản được thuận lợi và kịp thời, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên chỉ đạo, kết nối các tổ chức, cá nhân, nông dân có nhu cầu vận chuyển hàng nông sản với các doanh nghiệp vận tải đường sắt.
Thống kê từ Bộ Công Thương, đến hết ngày 7/6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 55.038 tấn vải, giá bình quân 12.000 - 32.000 đồng/kg (cá biệt giá thấp nhất 8.000 đồng/kg đối với vải chất lượng thấp; 58.000 đồng/kg đối với vải xuất khẩu đi Nhật). Trong đó, tiêu thụ tại thị trường trong nước 36.017 tấn.
Với Hải Dương, đến ngày 8/6, vải thiều của tỉnh này đã thu hoạch và tiêu thụ từ 38.000 - 40.000 tấn. Trong đó, khoảng 85% sản lượng vải sớm và bằng gần 60% sản lượng vải toàn tỉnh. Riêng Thanh Hà đã thu hoạch khoảng 30.000 tấn.
Giá vải dao động từ 18.000 - 30.000 đồng/kg (giá tại vườn); tùy theo chủng loại và phương thức đóng gói. Vải thiều của Thanh Hà luôn có giá cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với các nơi khác.
Sản lượng tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 50% tổng sản lượng vải thiều đã tiêu thụ, tương đương 20.000 - 21.000 tấn. Thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu vẫn là khu vực phía Nam, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương lân cận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!