Thông tin trên là kết luận vừa được Hội đồng thúc đẩy thương mại quốc tế có trụ sở tại Trung Quốc (gọi tắt là CCPIT) công bố.
Theo công bố báo cáo mới nhất của CCPIT về dòng chảy thương mại toàn cầu, đáng chú ý là chỉ số ma sát thương mại trong tháng 4/2023 đã giảm 467 điểm so với cùng kỳ năm ngoái và 22 điểm so với tháng 3 xuống còn 125. Chỉ số này được tính dựa trên mức bảo hộ thương mại và hàng rào thuế quan áp dụng cho các nền kinh tế.
CCPIT theo dõi và phân tích các số liệu thương mại ở 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu được công bố, Hàn Quốc, Mỹ và Ấn Độ là ba nước có chỉ số ma sát thương mại cao nhất, đồng nghĩa với việc có nhiều rào cản liên quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong khi đó, EU, Mỹ và Hàn Quốc là các nền kinh tế có chi phí phát sinh cao nhất do hậu quả của ma sát thương mại. Các xung đột thương mại đã tác động khác nhau lên các lĩnh vực kinh tế.
Bà Yang Fen - Người phát ngôn của CCPIT cho biết: "Nhìn theo các ngành kinh tế thì ngành hóa chất, điện tử và thiết bị vận chuyển là các ngành chịu rào cản thương mại lớn nhất. Trong số 13 ngành công nghiệp lớn được chúng tôi theo dõi, ngành hóa chất bị ảnh hưởng nặng nhất, sau đó là thiết bị điện tử, thiết bị vận chuyển, máy móc, nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, dược phẩm".
Theo số liệu của CCPIT, các rào cản thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đứng ở mức cao, góp phần ngăn cản dòng chảy hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó, Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) dự báo quy mô thương mại toàn cầu trong năm 2023 sẽ chỉ tăng 1,7% so với năm 2022, xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng yếu ở các nền kinh tế lớn và các căng thẳng địa chính trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!