Đầu tư công luôn đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế
Đến thời điểm này cũng đã sắp kết thúc năm 2024, tăng trưởng kinh tế năm 2024 hiện đang ước đạt trên 7%. Bước sang năm 2025, Chính phủ nhấn mạnh cần phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho việc thực hiện kế hoạch cho cả giai đoạn 2021 - 2030. Trong các giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc thúc đẩy đầu tư công, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia… cũng đang được các Bộ ngành địa phương, các cơ quan liên quan quyết liệt thực hiện trong những tháng cuối năm.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, TS Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, theo như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cập nhật đến tháng 11/2024 từ phía Bộ Tài chính thì đã có khoảng trên 400.000 tỷ đồng được giải ngân, tương đương đạt 54% so với kế hoạch và khoảng trên 60% so với cả mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
"Chúng tôi thấy rằng chúng ta vẫn còn thời gian, không chỉ là tháng 12/2024 mà kế hoạch đầu tư công thường tính đến tháng 1/2025. Vì vậy, chúng ta sẽ còn tháng một nữa để các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục thúc đẩy các chương trình đầu tư công", TS Trần Thăng Long nhận định.
Theo TS Trần Thăng Long, từ trước đến nay, đầu tư công vẫn luôn có đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, nhất là ở những quốc gia có cơ sở hạ tầng còn rất nhiều thứ cần phải đầu tư như ở Việt Nam. Về lý thuyết, khi đầu tư công tăng 1%, cũng sẽ có tác động tương ứng vào tăng trưởng của GDP của năm đó. Tuy nhiên, điều này không quan trọng bằng việc, đầu tư công sẽ tạo ra một cơ sở hạ tầng thật tốt để các mảng khác tăng trưởng trong năm nay và những năm tiếp theo, các hoạt động kinh tế dựa vào đó để tăng trưởng.
"Tôi ví dụ có hai mảng rất lớn trong GDP mà năm nay đang phục hồi và phục hồi khá nhanh. Một là liên quan đến tiêu dùng cá nhân, hiện tại chi tiêu của tiêu dùng đang tăng khoảng 8,5%. Thứ hai là một phần tăng trưởng rất tốt của khối sản xuất, khối FDI và cũng thể hiện qua chỉ tiêu liên quan đến xuất nhập khẩu. Chúng ta thấy xuất nhập khẩu tăng trưởng từ 14 đến 15% tùy từng các mặt hàng, đóng góp khá lớn vào thặng dư thương mại năm nay của Việt Nam. Năm nay là một năm mà chúng ta gần như chắc chắn hoàn thành ở mức độ cao của tăng trưởng GDP, do vậy sức ép để phải đẩy mạnh phần mục tiêu còn lại của đầu tư công sẽ được giảm bớt", TS Trần Thăng Long phân tích.
TS Trần Thăng Long tham gia trao đổi cùng BTV Mùi Khánh Ly tại Talk show Phố Tài chính.
Cũng theo ông Trần Thăng Long, bước vào năm 2025, dự báo sẽ có những ẩn số khá lớn, khi cuối năm 2024, các quốc gia lớn có những sự kiện bầu cử, gần nhất là bầu cử Tổng thống Mỹ. Những chính sách liên quan đến thương mại của Tổng thống Mỹ cũng được đề cập nhiều. Và trong đó, thị trường dự báo mức độ chặt chẽ của chính sách sẽ tăng cao theo hướng áp thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ rất nhiều quốc gia.
Trong tình huống như vậy, những yếu tố bên ngoài thực ra chúng ta không thể kiểm soát được mà chúng ta chỉ có thể ứng phó linh hoạt. Chính vì vậy, việc vận hành nền kinh tế trong nước dự báo sẽ tập trung vào những công cụ mà trong nước đang có để bổ trợ cho những hoạt động của kinh tế.
"Tôi đánh giá tư năm 2025, đầu tư công sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn nữa đối với sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Và không chỉ là về tăng trưởng, cần tạo nên một cơ sở hạ tầng để các hoạt động kinh tế khác để có thể tăng trưởng nhanh hơn", TS Trần Thăng Long nói.
Kinh tế tăng trưởng mạnh, thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi theo
Năm 2025 là một năm được đặt mục tiêu tăng trưởng rất cao từ đầu và từ rất sớm. Do vậy, tâm lý chuẩn bị từ các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như từ phía doanh nghiệp hay từ phía các nhà đầu tư, cũng đã được chuẩn bị khá sớm. Hiện Việt Nam, đã bước vào ngưỡng thu nhập trung bình so với thế giới, đây cũng là một bước tiến.
"Theo những nghiên cứu của các quốc gia khác, thời gian có thể bùng nổ các hoạt động liên quan đến tiêu dùng, đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế cũng đang đến, nên tôi nghĩ rằng sau một giai đoạn mà chúng ta đã tạo đà và nền tảng vững chắc thì đến bây giờ việc thúc đẩy các chính sách và nền kinh tế sẽ rõ ràng hơn", TS Trần Thăng Long đánh giá.
Cùng với đó, môi trường của các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp FDI đầu tư cũng đang được cải thiện rất nhiều. Trong kịch bản tốt mà BSC đánh giá, GDP sẽ đạt được mức tăng trưởng cao, có thể lần đầu tiên sau rất nhiều năm Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng trên 8%. Còn đối với thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng của nhiều biến động khác ở trên thế giới như biến động về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các chính sách thương mại mới, các biến động về chính trị…
"Còn ở trong nước, thị trường có thể bị tác động bởi yếu tố như yếu tố nâng hạng chẳng hạn, liệu có khả năng được nâng hạng vào tháng 3 hay vào tháng 9/2025, hay lâu hơn nữa?... Nhưng cốt lõi của thị trường vẫn là doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận hay không? Đến năm 2024, mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp, theo thống kê từ phía BSC đến hết quý III/2024 đạt xấp xỉ 17% so với cả năm 2023. Đến năm 2025, chúng tôi cũng đưa ra hai kịch bản, trong đó xác suất khá cao sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vào khoảng 18 - 19% trong năm 2025", TS Trần Thăng Long nhận định.
Cũng theo TS Trần Thăng Long khi hoạt động đầu tư công được thúc đẩy, những nhóm ngành được hưởng lợi như ngành xây dựng, vật liệu xây dựng… đã phần nào được phản ánh vào giá. Tuy nhiên, chính sách đầu tư công còn có tác động lan tỏa sẽ đến rất nhiều nhóm khác nhau như nhóm hạ tầng hay bất động sản khu công nghiệp. Kèm theo đó là một lượng lớn nhóm ngành được hưởng lợi gián tiếp hơn như hoạt động liên quan đến ngành logistics cũng sẽ được cải thiện, do cơ sở hạ tầng phát triển, chi phí sẽ giảm, giúp ngành logistics cũng sẽ có hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
Ngoài ra, mặc dù chịu tác động gián tiếp diễn ra chậm hơn một chút nhưng dự báo vẫn sẽ có sự tăng trưởng tốt khi nền kinh tế tăng trưởng, cùng sự sôi động của thị trường như nhóm ngành ngân hàng, nhóm ngành chứng khoán. Thêm vào đó là sự phục hồi chung của thị trường bất động sản, thanh khoản của thị trường này cũng đang ấm lên. Nếu như thị trường có được sự sôi động tương đối tốt và môi trường vĩ mô cũng thuận lợi, trong trường hợp đó, nếu thanh khoản tăng lên, ba nhóm ngành này cũng sẽ là ba nhóm ngành mà nhà đầu tư nên quan tâm trong năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!