Không chỉ là đất nước nổi tiếng về những ngôi đền hay ngôi chùa cổ kính, linh thiêng, Myanmar còn được coi là một trong những thiên đường đá quý của thế giới.
Đá quý ở Myanmar tập trung chủ yếu ở phía Bắc nước này, đặc biệt là tại các thung lũng đá quý cách cố đô Yangon từ 800 đến 1.000 km. Thế nhưng thay vì có cuộc sống no đủ nhờ vào đá quý, người dân tại những khu vực này lại phải chật vật mưu sinh từng ngày.
Tại thung lũng Mogok, phía Bắc Myanmar, không kể mưa hay nắng, miệt mài bên cỗ máy đãi cát cũ, những công nhân ngày ngày vẫn hy vọng sẽ đổi đời nhờ hồng ngọc, loại đá quý đắt đỏ nhất thế giới với màu đỏ máu.
Năm ngoái, một viên hồng ngọc gần 30 cara được tìm thấy đã được bán với giá kỷ lục 30 triệu USD. Các loại đá quý nói chung được chế tác đem đến các thị trường lớn, những mảnh vụn còn lại hầu hết được bán tại chợ Yangon.
Tại Myanmar, ngành công nghiệp này nằm dưới sự quản lý của một công ty nhà nước. Sau hàng thập kỷ, cuối cùng lệnh cấm vận nhập khẩu đá quý từ Myanmar của Mỹ cũng sẽ được dỡ bỏ trong tháng 10 tới, người dân nơi đây hy vọng giá loại hàng hóa này sẽ tăng.
Hơn 80% nguồn cung đá quý của thế giới đến từ Myanmar. Hy vọng với tiềm năng của ngành công nghiệp này cùng việc được dỡ bỏ cấm vận sắp tới, cuộc sống của những công nhân đào tìm đá quý cùng những điều kiện lao động nơi đây sẽ được cải thiện theo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!