Gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 10/10/2024 21:18 GMT+7

VTV.vn - Nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai đã khiến 85 dự án năng lượng tái tạo không được huy động phát điện theo cơ chế giá ưu đãi.

Với chiến lược khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thời gian qua Chính phủ đã ban hành các cơ chế hỗ trợ, phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai đã khiến 85 dự án năng lượng tái tạo, bao gồm 77 dự án điện gió, 8 dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 4.734 MW không được huy động phát điện theo cơ chế giá ưu đãi.

Hơn 4.000 tỷ đồng là số tiền mà nhà đầu tư này bỏ ra để đầu tư một nhà máy điện gió với công suất 100 MW trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, do dự án triển khai trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thời gian giãn cách xã hội kéo dài nên dự án đã không thể về đích đúng thời gian yêu cầu và không được hưởng cơ chế giá bán điện ưu đãi khi đầu tư vào điện gió.

Ông Trần Huy Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Điện Gia Lai cho biết: "Sau gần hai năm dự án chưa được huy động công suất, thiệt hại cho doanh nghiệp chúng tôi chưa được huy động doanh thu gần 500 tỷ đồng, chưa kể đến khoản lãi vay đầu tư phải trả cho ngân hàng hàng năm khoảng 300 tỷ đồng".

Gỡ khó cho các dự án năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Bộ Công thương đã ban hành khung giá phát điện chuyển tiếp, với mức giá thấp hơn từ 21-29%

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, năm ngoái, Bộ Công thương đã ban hành khung giá phát điện chuyển tiếp, với mức giá thấp hơn từ 21-29%. Tuy nhiên, sau hơn một năm áp dụng cơ chế giá này, mới chỉ có 29/85 dự án năng lượng tái tạo được tạm huy động phát điện và giá mua điện tạm tính chỉ bằng 50% cơ chế giá điện chuyển tiếp đã ban hành.

Ông Đặng Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Công ty Điện gió Hanbaram Ninh Thuận chia sẻ: "Ngay cả với mức giá tạm tính này, công suất phát điện của nhà máy cũng không được huy động tối đa, thường xuyên chỉ được huy động từ 70-80% công suất, do vậy doanh thu của nhà máy sau một năm được huy động chỉ đạt 30% so với mục tiêu đầu tư ban đầu, do vậy không thể đủ để trả lãi vay đầu tư và chi phí vận hành".

TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: "Không chỉ là sự lãng phí đơn thuần về năng lượng, mà chính là lãng phí nguồn lực quốc gia. Tức là khi doanh nghiệp đổ vốn vào mà không được mua như trường hợp hiện nay, rất nhiều nhà máy điện có thể chỉ lỡ nhịp một ngày thì tài sản của doanh nghiệp ấy coi như bị vô hiệu. Mà vô hiệu ở đây có thể gặp rủi ro rất lớn, không trả được nợ thì phá sản".

Áp lực tài chính trong ngắn hạn là hiện hữu, về dài hạn thì gánh nợ ngân hàng với số vốn vay lên tới cả ngàn tỷ đồng với mỗi dự án, sức hấp dẫn của năng lượng tái tạo vì thế cũng giảm đi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước