Gỡ khó cho thị trường bất động sản: Bắt đầu từ đâu?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/02/2023 17:38 GMT+7

VTV.vn - Theo phản ánh của báo Tuổi trẻ 70% vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là về thủ tục pháp lý.

Bất động sản ách tắc vì thủ tục

Tuần qua, một trong nhiều nội dung được báo chí phản ánh là các kiến nghị giải pháp để tháo gỡ cho thị trường bất động sản.

Đối với thị trường bất động sản, đây là câu chuyện rất được quan tâm vì vực dậy được thị trường bất động sản cũng sẽ vực dậy được nhiều ngành nghề liên quan. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc gỡ khó này cần bắt đầu từ đâu? Đây là câu hỏi trên báo Đầu tư khi phân tích những khó khăn hiện tại của thị trường.

Theo chia sẻ của một doanh nghiệp với tờ báo vấn đề của thị trường hiện nay cũng chưa hẳn nhà đầu tư không có tiền mà là nhà đầu tư đang mất niềm tin vào thị trường và mang nặng tâm lý chờ đợi thị trường giảm giá thật sâu mới tính chuyện mua vào.

Gỡ khó cho thị trường bất động sản: Bắt đầu từ đâu? - Ảnh 1.

Trong khi đó, theo phản ánh của báo Tuổi trẻ 70% vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là về thủ tục pháp lý. Cụ thể, ách tắc phổ biến là dù đã hoàn thành phần móng, tầng hầm song còn vướng ở khâu xin thủ tục xác nhận đủ điều kiện được bán. Lý do bởi nguồn gốc chuyển nhượng đất trước đó liên quan đến đất công nên các cơ quan chức năng phải dừng lại rà soát.

Chính phủ thời gian qua đã rất lắng nghe các khó khăn của doanh nghiệp, đã thành lập Tổ công tác đặc biệt gồm lãnh đạo nhiều bộ, ngành, tổ chức nhiều cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội. Tuần trước, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức hội nghị tín dụng bất động sản để tiếp thu, lắng nghe các kiến nghị.

Thị trường bất động sản cần quyết sách đột phá

Theo báo Lao động, trong 17 vướng mắc của các doanh nghiệp, khó khăn không chỉ nằm ở tổ chức tín dụng mà nằm ở việc tháo gỡ vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp, miễn giảm lãi phí, chính sách với bất động sản du lịch, phát triển nhà ở xã hội. Bài viết cho rằng, việc vận hành trở lại thị trường rất quan trọng nhưng đồng thời cần nhìn nhận tổng thể để có công cuộc cải cách với thị trường này, tái cấu trúc, cải tổ thị trường từ cấp vĩ mô (chính sách) cho đến cấp vi mô (doanh nghiệp) để thị trường bật dậy.

Nhìn lại những câu chuyện được phản ánh của doanh nghiệp bất động sản có thể thấy họ nói kiến nghị nhiều về tín dụng. Tuy nhiên theo phân tích của tạp chí Kinh tế Sài Gòn, tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản vẫn phải theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Gỡ khó cho thị trường bất động sản: Bắt đầu từ đâu? - Ảnh 2.

Việc cơ cấu lại nợ, hoãn chuyển nhóm nợ phải duy trì sự công bằng cần thiết giữa nhóm ngành bất động sản với các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Với số tài sản lớn, nhóm doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tự cơ cấu, bán bớt tài sản.

Sẽ rất khó nếu các doanh nghiệp muốn vượt qua khó khăn mà lại không muốn mất mát, nhất là khi mất cân đối cung cầu dẫn đến dư thừa sản phẩm trung và cao cấp nhưng thiếu trầm trọng phân khúc bình dân chắc chắn không phải do tín dụng, đại dịch hay viễn cảnh ảm đạm của kinh tế thế giới.

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trị Hội nghị trực tuyến toàn quốc "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững". Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra 8 vấn đề nổi lên hiện nay của thị trường bất động sản, liên quan đến các chủ thể gồm cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, khách hàng.

Kết luận hội nghị về quan điểm giải quyết, theo ghi nhận trên báo Tiền Phong, Thủ tướng nêu rõ xử lý các vấn đề trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Gỡ khó cho thị trường bất động sản: Bắt đầu từ đâu? - Ảnh 3.

Thủ tướng đề nghị tất cả chủ thể có liên quan phải đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng xử lý các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý nhà nước, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên. Ngành ngân hàng, tài chính phải khơi thông dòng vốn, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Thủ tướng đã đưa ra yêu cầu với từng chủ thể liên quan, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản đó là phải chủ động, giải quyết, tự khắc phục những vấn đề nội tại do chính doanh nghiệp để xảy ra như cơ cấu lại các dự án, điều chỉnh các phân khúc; điều chỉnh lại giá cả bất động sản; thúc đẩy thanh khoản.

Đối với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiết giảm các chi phí để tiết kiệm chi, tăng cường chuyển đổi số, giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại các nhóm nợ.

Thủ tướng đề nghị chính quyền các cấp vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, quy trình phê duyệt dự án, đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch, thực hiện nghiêm quy hoạch và điều chỉnh các dự án phù hợp với tình hình của địa phương.

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Thủ tướng nhấn mạnh là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để khách hàng hiểu và lựa chọn được sản phẩm tốt, phù hợp túi tiền.

Đáng chú ý là cũng tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, đã họp với 4 ngân hàng thương mại và thống nhất dành một gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất cho vay bình quân trên thị trường. Đây là một trong những giải pháp rất kịp thời vào lúc này cho thị trường.

Doanh nghiệp bất động sản trước hết phải tự “cứu” lấy mình Doanh nghiệp bất động sản trước hết phải tự “cứu” lấy mình

VTV.vn - Doanh nghiệp bất động sản muốn vượt qua giai đoạn khó khăn này, trước hết phải tự tìm cách “cứu’ lấy mình, trong khi chờ các giải pháp tháo gỡ về mặt thủ tục chính sách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước