Diễn biến tích cực gỡ khó pháp lý các dự án
Mới đây nhất, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch chung 1/10.000 cho phân khu C4, thuộc một phần khu đô thị phía Tây đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Điều này đã giúp cho các dự án trong khu vực được khơi thông điểm nghẽn về khâu quy hoạch để tiếp tục triển khai.
Dự án Aqua City có quy mô gần 1.000 ha, từ năm 2021, toàn bộ dự án bị tạm ngừng vì vướng phê duyệt các điều chỉnh quy hoạch và chưa thống nhất về quỹ đất nhà ở xã hội. Sau khi được Tổ công tác Chính phủ gỡ vướng, dự án tái khởi động cuối tháng 6/2023. Mới đây, tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch chung 1/10.000 cho phân khu C4, trong đó có dự án này, tạo tiền đề để dự án có đủ điều kiện pháp lý triển khai.
Việc điều chỉnh về quy hoạch lần này của tỉnh Đồng Nai tập trung vào các chỉ tiêu quy mô dân số và chỉ tiêu đất đai. Khi có quy hoạch chung 1/10.000 sẽ là cơ sở để hoàn thành các cấp quy hoạch tiếp theo như quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án. Từ đó, giúp dự án hoàn thành các thủ tục pháp lý, tiếp tục đẩy mạnh phát triển.
Không chỉ Aqua City, việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án thuộc phân khu C4.
Ông Dương Văn Bắc - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết: "Ngay đầu 2023 khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập đến 3 tổ công tác, trong đó có lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm tổ trưởng để chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ pháp lý, cùng với phối hợp của bên tập đoàn và các công ty có dự án trong phân khu C4 thì đã rất quyết liệt xử lý những vấn đề vướng mắc liên quan đến quy hoạch".
Còn tại TP Hồ Chí Minh, trong danh sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của 64 dự án bất động sản thì nay đã có 8 dự án đã được gỡ vướng pháp lý hoàn toàn. Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, việc thành lập Tổ công tác của thành phố về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản là dấu mốc rất quan trọng thúc đẩy nhanh hơn quá trình gỡ vướng này.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh bày tỏ: "Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong 10 tháng qua đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho 64 dự án và chúng ta kỳ vọng sẽ nhân được tin vui từ nay cho đến cuối năm đối với 22 dự án mà đã được tổ công tác xem xét và điều này đã giúp nâng đỡ lòng tin của thị trường".
Có thể thấy, chủ trương chung của Chính phủ trong việc chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ pháp lý cho các dự án còn vướng mắc đang tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như là tạo động lực cho thị trường bất động sản thời gian tới.
Tác động tích cực từ việc gỡ vướng mắc pháp lý
Những chuyển biến rõ rệt trong việc gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản cùng với việc 3 luật liên quan có hiệu lực tháng 8 chính là cú huých về pháp lý cho thị trường bất động sản phía Nam có những tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian qua về niềm tin của nhà đầu tư lẫn giao dịch trên thị trường.
Số liệu mới nhất tính đến tháng 10 từ DKRA cho thấy, thị trường phía Nam có 110 dự án sơ cấp triển khai bán hàng với gần 13.000 căn hộ, tập trung tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Đáng chú ý, sức mua thị trường ghi nhận tín hiệu phục hồi, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn vị nghiên cứu cho rằng, tác động của 3 luật mới và công tác tháo gỡ "điểm nghẽn" từ Chính phủ đã giúp thị trường bất động sản phục hồi rõ nét.
Ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc DKRA Consulting đánh giá: "Tôi cho rằng đây là động thái khơi dậy niềm tin của người dân cũng nhà các nhà đầu tư, người mua bất động sản. Đồng thời nó cũng tháo gỡ những khó khăn của những nhà đầu tư, họ có thể tiếp cận được pháp lý hoàn toàn mới cũng như tiếp cận được vốn vay, có thể giải quyết các vấn đề tồn đọng. Từ đó thúc đẩy sự hồi phục cho thị trường trong thời gian tới, cũng như giúp thị trường chuyển tiếp qua chu kỳ mới bền vững, an toàn và công bằng cho tất cả các bên tham gia".
Hiện khó khăn của các dự án bất động sản còn tồn đọng tập trung vào ba nhóm vấn đề chính: Thứ nhất là thủ tục phát triển dự án kéo dài; Thứ hai là khó khăn xác định tính tiền sử dụng đất, tiền chuyển mục đích sử dụng; Cuối cùng là dự án có dính đất xen cài, đất công.
Các chuyên gia cho rằng, việc phân nhóm vướng mắc theo tình trạng pháp lý là giải pháp khả thi để các địa phương nhanh chóng có phương án tháo gỡ cụ thể cho các dự án.
"Tổ công tác của Chính phủ đang phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố giải quyết theo hướng này tôi thấy rất hiệu quả. Cụ thể trên địa bàn TP Hồ Chí Minh theo thống kê có trên 220 dự án đang bị vướng mắc, từ chỗ có sự phối hợp giải quyết và phân nhóm như vậy đấy là một những thành tựu rất quan trọng trong việc thúc đẩy khó khăn, đặc biệt là pháp lý dự án bất động sản", ông Phan Công Chánh - Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Đầu tư Phú Vinh Group đánh giá.
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy nhanh triển khai, áp dụng các văn bản hướng dẫn thi hành để các luật liên quan đến thị trường bất động sản đi vào đời sống và phát huy hiệu quả nhanh nhất.
Thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại
Câu chuyện gỡ khó pháp lý vẫn đang được các Bộ ban ngành, địa phương tiếp tục triển khai với các giải pháp cụ thể hơn nữa. Ảnh minh họa.
Tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý nhằm tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản cũng là một trong các nội dung được các đại biểu Quốc hội được đề cập đến nhiều tại các phiên thảo luận trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV đang diễn ra. Sáng 21/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, việc thực hiện thí điểm này sẽ giúp gỡ khó cho các dự án dưới 20 ha có thêm hình thức tiếp cận đất đai khi làm nhà ở thương mại. Dù tán thành với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tăng thêm điều kiện tiếp cận đất đai cho phát triển nhà ở thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn cung cấp của nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân, các đại biểu đề nghị giai đoạn thí điểm nên giới hạn về qui mô diện tích.
Ông Trần Văn Tiến - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nêu ý kiến: "Để dự án nhà ở thương mại thí điểm có tính khả thi, tôi đề nghị giai đoạn thí điểm nên giới hạn về quy mô diện tích. Cụ thể, đối với khu vực đô thị diện tích tối đa không quá 20 ha và đối với khu vực nông thôn diện tích tối đa không quá 5 ha".
"Thực hiện thí điểm trong điều kiện hiện tại là rất cần thiết. Trong thời gian qua, tình hình bất động sản của chúng ta đã diễn biến phức tạp có lúc rất thăng trầm, những người có đất muốn giao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển nhà ở thương mại ở đô thị hay địa phương rất khó khăn vì nó không phải đất ở, mặc dù ở trong quy hoạch. Doanh nghiệp muốn mua để phát triển sản xuất kinh doanh làm nhà ở thương mại cũng không được", ông Phạm Văn Hòa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho hay.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng chỉ ra Dự thảo Nghị quyết cần có cơ chế cho một số trường hợp xây dựng nhưng bị sai phạm mà chưa có cơ chế để tháo gỡ làm lãng phí nguồn lực xã hội, đất nước.
Câu chuyện gỡ khó pháp lý vẫn đang được các Bộ ban ngành, địa phương tiếp tục triển khai với các giải pháp cụ thể hơn nữa. Đây sẽ là động lực quan trọng, giúp khơi dậy niềm tin về một thị trường bất động sản minh bạch, bền vững hơn trong chu kỳ mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!