Gỡ "nút thắt" xăng dầu: Cái gì thuộc về thị trường để doanh nghiệp quyết định?

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 30/07/2024 21:53 GMT+7

VTV.vn - Theo đánh giá, "nút thắt" trong tất cả các nghị định xăng dầu thời gian vừa qua, cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá.

3 công cụ điều hành thị trường xăng dầu

Chia sẻ tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" ngày 30/7, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội đánh giá hiện thị trường xăng dầu được điều hành trên 3 công cụ chủ yếu. 

Công cụ đầu tiên là điều hành thông qua giá cơ sở, mặc dù xăng dầu có rất nhiều doanh nghiệp, các công ty kinh doanh của Nhà nước, kể các doanh nghiệp tư nhân nhưng giá bán ra trên thị trường phải dựa trên mức giá cơ sở và do Nhà nước điều hành, 7 ngày lại phải công bố điều chỉnh một lần. Như vậy, thực chất giá bán ra trên thị trường ấy do Nhà nước ấn định.

Công cụ thứ hai Chính phủ sử dụng là công cụ về thuế, khi chúng ta thấy rằng giá thế giới tăng cao cần phải giảm chi phí cho cấu thành giá chúng ta phải giảm thuế nhập khẩu, thậm chí giảm thuế môi trường.

Công cụ thứ ba là bình ổn giá bằng việc trích lập quỹ bình ổn. Như vậy công cụ sử dụng của chúng ta khá tổng hợp và về mặt hình thức, cơ bản sử dụng công cụ tổng hợp như nhiều quốc gia đã sử dụng.

Với các công cụ trên, việc điều hành như thế đã mang lại kết quả khá tích cực. Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều đó thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu.

Gỡ nút thắt xăng dầu: Cái gì thuộc về thị trường để doanh nghiệp quyết định? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính -Ngân sách của Quốc hội cho rằng phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh

Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới. Nhập vào cao thì chúng ta vẫn phải điều hành giá cao và khi thị trường xuống thấp mới hạ giá được. Chúng ta phải phụ thuộc vào biến động bất thường, thường xuyên của thế giới, trong vòng chậm nhất cũng là 7 ngày.

Thứ hai là vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải bán mức giá như thế này. Khi đã dùng hành chính áp đặt như thế sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó tính toán.

"Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm biện pháp để lảng tránh", ông Hoàng Văn Cường đánh giá.

Cũng theo ông Cường, đối với công cụ về Thuế hay sử dụng công cụ trích Quỹ bình ổn, thực chất chúng ta dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chúng ta chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường.

"Doanh nghiệp nào đầu tư kinh doanh tốt thì cũng bán giá đó, doanh nghiệp nào kinh doanh kém cũng bán giá đấy. Tức là không tạo ra sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường", ông Cường nhận định.

Thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm

Về phương hướng quản lý thị trường xăng dầu trong thời gian tới, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cơ chế quản lý hiện nay đang dùng là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết.

"Tôi cho rằng để thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm", ông Cường nêu quan điểm.

Từ việc dựa vào công cụ thị trường như thế thì đương nhiên giá kinh doanh như thế nào cũng phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết. Nếu như doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước.

Gỡ nút thắt xăng dầu: Cái gì thuộc về thị trường để doanh nghiệp quyết định? - Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng quản lý thị trường xăng dầu trong thời gian tới nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết

Theo ông Cường, có hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập, chúng ta có thể dùng công cụ đó để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là chuyện khống chế lượng bán để tăng giá.

Ông Cường nhấn mạnh, muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì chúng ta phải có thị trường cạnh tranh mà muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua.

"Chúng ta cũng không thể thả nổi hoàn toàn. Chúng ta phải sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là việc thế giới, các công ty lớn hay sử dụng các công cụ về phái sinh để bình ổn", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

"Cơ quan quản lý đang làm thay cho doanh nghiệp"

Cùng quan điểm với đại biểu Hoàng Văn Cường, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng các "nút thắt" trong tất cả những nghị định trong thời gian vừa qua, cơ bản nhất vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá.

"Chúng ta quy định kỹ quá, rõ ràng cơ quan quản lý Nhà nước vẫn 7 ngày phải xác định giá (theo Nghị định 95, 80), như vậy cơ quan quản lý Nhà nước làm thay cho doanh nghiệp. Kể cả những giai đoạn giá chỉ 15.000 đồng/lít cũng vận hành đúng như thế, chế tài cũng như thế đến khi giá giai đoạn lên đến 33.000 đồng/lit năm 2022 cũng chỉ có những cơ chế đó vận hành", ông Bảo cho biết.

Do vậy, việc xác định giá trong giai đoạn này là một "nút thắt" lớn nhất. "Chúng ta phải có cơ chế gì để xác định cái gì thuộc về thị trường để các doanh nghiệp quyết định", ông Bảo nói thêm.

Gỡ nút thắt xăng dầu: Cái gì thuộc về thị trường để doanh nghiệp quyết định? - Ảnh 3.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo

Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, đối với quản lý Nhà nước, trong thời gian tới là phải bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung ứng cho nền kinh tế này.

Bên cạnh đó, bảo đảm quản lý về mặt bằng giá chung để làm sao không có tác động mạnh hoặc khi thế giới biến động mạnh thì sử dụng những chính sách tài khóa thông qua thuế, cơ chế về bình ổn để xử lý, còn lại để thị trường vận hành. "Khi có cạnh tranh thì xu hướng xảy ra là đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi", ông Bảo nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước