Chưa bao giờ thị trường bất động sản nhận được nhiều "trợ lực" hỗ trợ cho sự phục hồi như 2 tháng vừa qua khi Chính phủ liên tục đưa ra các văn bản chỉ đạo quan trọng như Nghị quyết 33, Văn bản số 178, Nghị định số 10... Tại Hội thảo do Báo Đầu tư vừa tổ chức, các chuyên gia nhận định, sự phục hồi của thị trường bất động sản là động lực quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Các ý kiến tại hội thảo đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ trong các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đóng góp trung bình của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% và liên quan tới hàng chục ngành nghề khác nhau.
Trong đó có 4 ngành lớn có liên quan nhiều nhất là: Xây dựng, tài chính - ngân hàng, du lịch, lưu trú. Đặc biệt, theo tính toán, số việc làm trong ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản ở Việt Nam chiếm gần 10% tổng số việc làm. Bởi vậy, khi thị trường này gặp khó khăn sẽ có những tác động không hề nhỏ.
Nếu thị trường bất động sản tiếp tục hụt hơi sẽ có ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm. Ảnh minh họa.
Chia sẻ tại hội thảo, các doanh nghiệp cho biết, họ đã phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ cuối năm ngoái tới nay. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, số lượng dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng lên đến cả nghìn dự án với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD.
"Thanh khoản của thị trường không có dẫn đến giao dịch thấp, sẽ ảnh hưởng tới tài chính của doanh nghiệp yếu", ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Home nói.
Ông Nguyễn Chí Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh miền Bắc cho rằng: "Thậm chí sẽ dẫn tới sự giải thể của nhiều doanh nghiệp môi giới, cũng như các tổ chức đi theo hệ sinh thái của bất động sản".
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, nếu thị trường bất động sản tiếp tục hụt hơi sẽ có ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm.
"Bất động sản là một trong những ngành có mức độ lan tỏa để phát triển kinh tế rất lớn, chính vì vậy không thể xem nhẹ vấn đề bất động sản được. Khi phục hồi bất động sản sẽ kéo theo các ngành nghề khác. Cần giải quyết nhanh các thủ tục về đất đai để có thêm nguồn cung. Hiện nay rất nhiều dự án bỏ dở dang, chạy thủ tục 5 - 7 năm nay còn nằm đấy", TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: "Các bộ ngành đang ráo riết thực hiện rồi, nhưng theo tôi cần làm nhanh hơn, mạnh hơn để giúp các dự án, địa phương có thể vận dụng để tháo gỡ".
Các ý kiến doanh nghiệp tại hội thảo tiếp tục nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý cần được xử lý, thông suốt. Còn về nguồn vốn, bằng cách này hay cách khác doanh nghiệp vẫn có thể tìm cách xoay sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!