Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua gây khó khăn cho nhiều bệnh viện và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Thực tế này diễn ra không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn nhiều địa phương trên cả nước.
Tại buổi tọa đàm kiến nghị các thủ tục quy định liên quan đến nhập khẩu, mua sắm, đấu thầu thuốc và thiết bị y tế diễn ra ngày 8/7 tại TP Hồ Chí Minh, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI nhận định ngoài nguyên nhân do doanh nghiệp sợ sai, ngại đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như: quy trình mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế chưa hoàn chỉnh; bất cập pháp lý về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; quy định pháp luật về nhập khẩu trang thiết bị y tế, dược phẩm còn nhiều bất cập, từ những bất cập về yêu cầu danh mục hồ sơ, tình hình phân loại trang thiết bị y tế, thủ tục cấp số lưu hành, cho đến thời gian giải quyết các thủ tục.
Ông Hứa Phú Doãn, Phó chủ tịch Hội thiết bị y tế TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề đấu thầu trang thiết bị y tế hiện nay còn một số vấn đề có khả năng gây hạn chế tính cạnh tranh, từ đó dẫn đến việc mua sắm thiết bị không đạt mục đích như mong muốn. Ông nói: "Nhập khẩu trang thiết bị y tế hiện nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiết quy định, sự giải thích cặn kẽ. Những bất cấp trong xuất nhập khẩu là quy định thủ tục làm kéo dài thời gian nhập khẩu, các quy định về hợp đồng tương tự, yêu cầu tài chính của hợp đồng tương tự, yêu cầu về giấy ủy quyền, quy định đấu thầu và giám sát đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp".
Ông Đỗ Thanh Phong (đứng), Trưởng phòng Quản lý giám sát, Cục Hải quan Bình Dương
Đại diện Cục Hải quan Bình Dương, ông Đỗ Thanh Phong cũng nêu các quy định của luật, nghị định, các thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu và thông quan các hạng mục thuốc và danh mục vật tư y tế. Tuy nhiên, vẫn còn có những quy định gây lúng túng cho hải quan và doanh nghiệp trong thực tế. "Trên cơ sở Nghị định 98, chúng tôi cũng thấy có 3 điểm bất cập. Thứ nhất, Nghị định chưa có nội dung quy định đối với trường hợp trang thiết bị y tế chưa được cấp số lưu hành thì làm gì để được phép nhập khẩu. Thứ 2 trường hợp tổ chức cá nhân nước ngoài biếu tặng trang thiết bị y tế cho cá nhân tổ chức trong nước thì có cần xin phép (nhập khẩu) hay không. Thứ 3, nghị định chưa nêu rõ danh mục thiết bị y tế cần những loại nào cụ thể, để hải quan có thể cập nhật trong hệ thống", ông Phong nói.
Hầu hết các ý kiến cho rằng bên cạnh việc e ngại sai phạm, ngại đấu thầu, các quy định trong luật, dưới luật về nhập khẩu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp và các địa phương là hiểu không thống nhất đối với cùng một văn bản quy định nên mất nhiều thời gian làm rõ quy trình.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc VCCI Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết từ những vướng mắc trong yêu cầu kỹ thuật, tài chính, quy định đấu thầu và giám sát, VCCI sẽ tập hợp các ý kiến đề xuất gửi lên bộ phận pháp chế, đề xuất Bộ Y tế và các đơn vị liên quan xem xét sửa đổi một số nghị định, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp nhậu khẩu thuốc, vật tư y tế.
Rà soát của Bộ Y tế cho thấy đến ngày 31/12/2022, 9.797 số ĐKLH sẽ hết hiệu lực. Còn tính theo mốc hết hạn vào ngày 30/6, đã có 7.718 hồ sơ gửi tới xin gia hạn, gồm 5.609 hồ sơ thuốc nội, 1.874 hồ sơ thuốc ngoại và 235 hồ sơ liên quan đến vaccine, sinh phẩm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng, gây đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, gây thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch của ngành y tế trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!