Liên minh châu Âu (EU) vừa lên tiếng kêu gọi thiết lập một khoản vay chung của 27 nước thành viên, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện đang có nguy cơ đẩy nền kinh tế của khối vào suy thoái. Tuy nhiên ý tưởng gói vay chung này gặp phải sự bất đồng từ các thành viên chủ chốt.
Đề xuất về gói vay chung được Ủy viên Ủy ban châu Âu về vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni và Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton đưa ra.
Theo các quan chức của Ủy ban châu Âu, gói vay chung ứng phó cuộc khủng hoảng giá năng lượng sẽ giúp thị trường nội khối không bị chia rẽ, khi các nước đang chạy đua triển khai các gói hỗ trợ khẩn cấp riêng dành cho người dân và doanh nghiệp ứng phó tình trạng giá năng lượng tăng.
"Nếu chúng ta muốn tránh sự chia rẽ, nếu chúng ta muốn đối mặt với cuộc khủng hoảng này, tôi nghĩ chúng ta cần có sự đoàn kết cao hơn và chúng ta cần đưa ra thêm những công cụ chung. Ví dụ, những gì chúng ta đã làm với Chương trình hỗ trợ giảm nguy cơ thất nghiệp khẩn cấp trong đại dịch là một đề xuất hay. Nó dựa trên các khoản vay và tôi nghĩ nó có tính khả thi", ông Paolo Gentiloni, Ủy viên Ủy ban châu Âu về vấn đề kinh tế, cho biết.
Liên minh châu Âu (EU) vừa lên tiếng kêu gọi thiết lập một khoản vay chung của 27 nước thành viên, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng giá năng lượng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Gói vay chung này được đề xuất trong bối cảnh Đức, nền kinh tế lớn nhất lục địa già, mới đây công bố hỗ trợ 200 tỷ Euro cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt cơn bão giá.
Mức hỗ trợ của Đức cao hơn hơn nhiều so với ngưỡng 67 - 68 tỷ Euro của Pháp và Italy, khiến một số nước thành viên EU quan ngại sẽ bóp méo tính cạnh tranh công bằng ở thị trường chung.
Pháp có quan điểm giống các nhà lãnh đạo EU nhưng Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối vấn đề này.
"Chúng ta phải cùng nhau xác định một chiến lược phản ứng kinh tế chung khi đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ kéo dài, vốn đang đe dọa khả năng cạnh tranh của các công ty, các ngành công nghiệp. Một nguyên tắc trong thị trường chung châu Âu đó là cạnh tranh công bằng", ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp, nhấn mạnh.
"Chúng tôi thấy tại thời điểm này còn rất nhiều công cụ và quỹ khác nhau với hàng tỷ Euro có sẵn để sử dụng. Tôi không nghĩ rằng đối với mọi tình huống mới, chúng ta cần thiết kế một công cụ mới. Chúng ta cần phân bổ những gì chúng ta có và đầu tư đúng cách", bà Sigrid Kaag, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, nêu quan điểm.
"Chúng ta không chỉ nói về việc sử dụng tiền của người đóng thuế để góp quỹ chung, chúng ta còn cần giải quyết tận gốc vấn đề này. Vì vậy, tôi sẵn sàng thực hiện các bước chung trên thị trường khí đốt quốc tế và cải cách thiết kế thị trường điện của chúng ta để giá cả cho người tiêu dùng không còn được xác định bởi giá khí đốt", ông Christian Lindner, Bộ trưởng Tài chính Đức, nói.
Hiện nhiều đồn đoán cho rằng, gói vay chung nếu được thông qua sẽ có tổng ngân sách là 100 tỷ Euro, một con số rất khiêm tốn, khó có thể đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ từ người dân và doanh nghiệp trên khắp châu Âu.
Có thể thấy những bất đồng là rất lớn giữa các thành viên chủ chốt của EU - những nước thường có đóng góp lớn từ trước đến nay. Chủ tịch Nghị viện châu Âu khẳng định sẽ gửi thư ngỏ tới lãnh đạo các nước thành viên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh bất thường tại Cộng hòa Czech về vấn đề này diễn ra trong hôm nay (6/10) và ngày mai (7/10).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!