"Gục ngã" trước COVID-19, hàng loạt khách sạn treo biển rao bán

Hải Vân - Quỳnh Anh-Thứ năm, ngày 27/08/2020 19:05 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành dịch vụ lưu trú. Nhiều khách sạn tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM phải treo biển rao bán sang nhượng.

Gấp rút treo biển rao bán

7 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,13 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội. Điều này đã làm tỷ lệ lưu trú tại các khách sạn sụt giảm sâu. Chính vì thế, nhiều khách sạn đã phải rao bán vì thiệt hại từ vài chục tỷ đến gần nghìn tỷ.

Dọc các tuyến phố cổ Hà Nội, không khó để thấy những tấm biển sang nhượng, rao bán hay cho thuê lâu dài các khách sạn từ 3 - 4 sao. 

Gục ngã trước COVID-19, hàng loạt khách sạn treo biển rao bán - Ảnh 1.

Nhiều khách sạn khu trung tâm phải đóng cửa, sang nhượng cửa hàng vì không có khách.

Tình trạng này cũng xảy ra tại TP.HCM. Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, công suất phòng ở tại các khách sạn trên địa bàn hiện đã giảm gần 92%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng loạt đơn đặt phòng trong tháng 7 - 8 đều huỷ khiến các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lâm vào cảnh khó khăn. Hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ tại khu vực trung tâm cũng đành phải rao bán.

Tại tuyến đường Lý Tự Trọng, Quận 1, đây là tuyến đường tập trung khách sạn quy mô 3 - 4 sao nhiều nhất khu vực trung tâm, cũng bắt đầu xuất hiện nhiều khách sạn rao bán với giá từ 200 – 950 tỷ đồng.

Không chỉ khách sạn có quy mô lớn, mà ngay cả những tuyến đường tập trung nhiều khách sạn tầm trung như Bùi Thị Xuân, Phạm Ngũ Lão, các khách sạn cũng đang trạng thái tìm chủ mới với giá khởi điểm từ 150 – 400 tỷ đồng.

Theo thống kê của Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy phân khúc khách sạn tại TP.HCM trong quý 2 chỉ ở mức 12%, giá phòng giảm trung bình 25% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là những yếu tố khiến việc kinh doanh dịch vụ lưu trú không còn hấp dẫn. 

Gục ngã trước COVID-19, hàng loạt khách sạn treo biển rao bán - Ảnh 2.

Tỷ lệ lấp đầy phân khúc khách sạn tại TP.HCM trong quý 2 chỉ ở mức 12%, giá phòng giảm trung bình 25% so với cùng kỳ năm 2019.

"Không có gì ngạc nhiên khi thị trường chứng kiến ngày càng nhiều nhu cầu muốn chuyển nhượng khách sạn của các chủ đầu tư, đặc biệt tại trung tâm thành phố, nơi thường tập trung lớn cho việc phục vụ khách du lịch hay người nước ngoài đi công tác ngắn ngày. Xu hướng này dự đoán sẽ tiếp tục duy trì từ giờ đến hết cuối năm nay," ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định.

Khách sạn cao cấp chuyển hướng đầu tư dịch vụ ăn uống hút khách

Bên cạnh đó, các khách sạn cao cấp muốn tiếp tục hoạt động, buộc phải chuyển mình tập trung vào mở rộng các dịch vụ như dịch vụ ẩm thực, spa chăm sóc sức khỏe, mua sắm hay các hoạt động gia đình. Chia sẻ với phóng viên VTVDigital, Ông Erwin R. Popov - Giám đốc điều hành - Khách sạn Hà Nội Daewoo cho biết sẽ tập trung phát triển nhà hàng. 

"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ mang thương hiệu của 1 nhà hàng Đức ra Hà Nội, cải tạo nâng cấp sảnh chờ nữa", ông nhấn mạnh.

Tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội, các chính sách ưu đãi cho các dịch vụ ăn uống cũng được chú trọng để hút khách trải nghiệm. "Chúng tôi có một chương trình ưu đãi mà khách lưu trú có thể được giảm giá đáng kể như 30% cho bữa sáng, 40% cho bữa trưa và 50% cho bữa tối. Dịch vụ spa hay dịch vụ cho cả gia đình cũng được chúng tôi giảm giá sâu và đa dạng sự lựa chọn cho khách hơn," ông Anthony Slewka, Giám đốc Sales & Marketing, Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội chia sẻ.

Savills cũng dự đoán sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới. Tình hình hoạt động của các khách sạn trong quý 3 dự báo sẽ không có nhiều biến chuyển so với quý 1.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước