Theo CNN, đại gia bán lẻ với 118 năm tuổi đời JCPenney đã chính thức để đơn xin phá sản.
Trước quyết định này, JCPenney đã trải qua một thập kỷ chìm trong khó khăn với những quyết định kinh doanh tồi tệ, sự bất ổn trong ban lãnh đạo cùng sai lầm trong việc đón bắt thị trường. Những tác động từ đại dịch COVID-19 được xem là chiếc đinh cuối cùng đóng vào "cỗ quan tài" mang tên JCPenney.
Trong quyết định đệ đơn xin phá sản, JCPenney đổ lỗi lớn cho COVID-19.
JCPenney đã chính thức đệ đơn xin phá sản
"Cho đến trước khi đại dịch xảy ra, chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng lại công ty theo chiến lược tái cấu trúc", CEO Jill Soltau cho biết.
Cùng với việc đệ đơn xin phá sản, JCPenney cho biết họ có thỏa thuận với hầu hết các nhà cho vay về kế hoạch quay vòng cho phép công ty này hoạt động lành mạnh hơn về mặt tài chính. Trong đó bao gồm việc đóng cửa nhiều cửa hàng trong số tổng số 846 cửa hàng hiện có. Số lượng cửa hàng phải đóng cửa không được JCPenney tiết lộ trong kế hoạch tái cấu trúc.
JCPenney đổ lỗi cho COVID-19 về quyết định đệ đơn xin phá sản
Lịch sử 118 của JCPenney bắt đầu từ một cửa hàng bán lẻ nhỏ được thành lập vào năm 1902 tại Kemmerer, Wyoming. JCPenney đã nhanh chóng phát triển để trở thành một trong những nhà bán lẻ lớn nhất tại Mỹ, bên cạnh những đối thủ sừng sỏ như Sears và Macy. Năm 1973 là đỉnh cao của JCPenney khi công ty này có đến 2.000 bán lẻ trên toàn nước Mỹ.
COVID-19: "Cơn ác mộng" của ngành bán lẻ
Trước JCPenney, tính riêng trong tháng Năm nay đã có 3 nhà bán lẻ lớn khác tại Mỹ đệ đơn xin phá sản. Đó là nhà bán lẻ cung cấp quần áo, phụ kiện cho phụ nữ J.Crew (ngày 4/5), chuỗi siêu thị bách hóa cao cấp Neiman Marcus (ngày 7/5), và hệ thống Stage Stores (ngày 10/5).
Trước JCPenney, một đại gia khác của ngành bán lẻ khác là J.Crew cũng đã đệ đơn xin phá sản
Trong báo cáo công bố ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng Tư vừa qua đã giảm 16,4% do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 buộc các doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi các dữ liệu thống kê được thu thập trong 28 năm qua và thậm chí thấp hơn cả dự báo của giới chuyên gia.
Chịu thiệt hại nặng nề nhất là các lĩnh vực như thời trang, nội thất, thiết bị điện tử, đồ gia dụng cũng như các cơ sở kinh doanh ăn uống, với mức giảm hai con số. Cụ thể, trong tháng vừa qua, doanh thu của các cửa hàng quần áo đã giảm 78,8% so với tháng trước, trong khi doanh thu của các cửa hàng đồ gia dụng điện tử cũng giảm 60,6%, tiếp đến là các cửa hàng đồ nội thất với mức giảm 58,7%...
Ngành bán lẻ Mỹ chịu tác động lớn từ đại dịch COVID-19
Tháng Tư là tháng đầu tiên phản ánh trọn vẹn một tháng Mỹ áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Doanh thu bán lẻ ở mức 403,9 tỷ USD đã đảo ngược đà tăng trưởng trong những năm trở lại đây, đẩy nền kinh tế Mỹ quý II/2020 vào nguy cơ suy giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!