Sự đình trệ kéo dài đã khiến các nhà bán lẻ đang cùng lúc phải đối mặt với việc chi phí tài chính lớn trong khi chưa biết thời điểm có thể kinh doanh bình thường trở lại, cũng như thách thức khôi phục lại sức mua từ những người tiêu dùng.
J.Crew có trụ sở ở thành phố New York, là một trong những "ông lớn" trong ngành thời trang bán lẻ ở Mỹ và cũng là thương hiệu thời trang yêu thích của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama. Dù vậy, tên tuổi này đã phải đối mặt với gánh nặng nợ cao, bán hàng khó khăn trong một vài năm gần đây.
Theo Moody's, J.Crew có doanh thu hàng năm 2,5 tỷ USD, nhưng lượng tiền tính tới tháng 2/2020 chỉ còn 93 triệu USD. Công ty này đã đạt được thỏa thuận với các bên liên quan để chuyển đổi 1,65 tỷ USD nợ thành vốn chủ sở hữu.
Theo CNN, J.Crew có thể sẽ không là nạn nhân duy nhất của dịch COVID-19 trong ngành bán lẻ. Hai tên tuổi bán lẻ nổi tiếng khác như Neiman Marcus và JC Penney cũng đang chịu áp lực phải nộp đơn phá sản sớm hơn dự tính.
Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc do COVID-19 từ giữa tháng 3. Quyết định nhanh chóng này đã cho các nhà bán lẻ rất ít thời gian để chuẩn bị.
Thực tế này đẩy nhiều công ty vào thế loay hoay giữ lại hàng hóa để bán trong năm sau, bán tháo hay giảm giá sốc để kích thích nhu cầu. Công ty phân tích Impact Analytics cho hay, 2/3 lượng sản phẩm thời trang bán ra hiện nay đang có giá thấp hơn giá bán vào đợt giảm giá sâu nhất trong năm là Black Friday.
Hiệp hội các nhà bán lẻ tại nước Mỹ ước tính, tình hình dịch bệnh đến nay đã khiến ngành bán lẻ nước này thiệt hại đến 1,3 nghìn tỷ USD.
CNBC dẫn một báo cáo mới nhất ước tính, hơn 50% các cửa hàng bán lẻ tại Mỹ sẽ phải đóng cửa vào năm 2021. Với những tên tuổi lớn như Macy's, JC Penney hay J.Crew đóng cửa, rời bỏ cuộc chơi, ngành bán lẻ dự kiến sẽ còn ảm đạm hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!