Kể từ ngày 7/10, diện tích đất ở tối thiểu ở nội thành Hà Nội không được nhỏ hơn 50m2. Sẽ không có thêm những ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo" và những mảnh đất sau thu hồi có diện tích chưa tới 15m2 tại Thủ đô. Quyết định mới có hiệu lực của UBND TP Hà Nội được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo - vốn là vấn để nóng trong quản lý đô thị suốt nhiều năm qua.
"Siêu mỏng, siêu méo" là cụm từ quen thuộc để gọi những căn nhà hầu hết đều mọc lên sau khi giải phóng mặt bằng, mở rộng các tuyến đường. Và đáng nói, những "sản phẩm méo mó" như thế hầu hết đều nằm ở mặt đường, gây phản cảm, thiếu mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi kết cấu hạ tầng không đảm bảo và phá vỡ quy hoạch đô thị.
Trong nỗ lực để xóa bỏ tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định 61. Theo đó, từ ngày 7/10/2024, mảnh đất sau thu hồi có diện tích dưới 15m2, mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng là 3m sẽ không được phép tồn tại mà phải hợp thửa, hợp khối với các diện tích liền kề - hoặc giao lại cho địa phương quản lý.
Là hộ dân duy nhất còn ở lại sau dự án mở rộng ngõ 102 đường Trường Chinh. Từ 63m2, giờ căn nhà chỉ còn 9m2. Với 3 người sinh sống, gia đình ông Kỳ phải bỏ đi phần lớn đồ đạc. Số tiền đền bù khoảng 70 triệu đồng cũng không đủ để ông tìm một nơi ở mới.
"Nhà tôi cứ chơ vơ ở đây thôi, nước không có điện không có, từ năm 2016-2017 tôi phải đi nhờ điện của nhà dân. Cái phần còn lại kia thì là cái nhà vệ sinh bị cắt lại, còn phần bên trên thì tôi cơi tôn lên thôi, không được xây, ai cho xây", ông Nguyễn Ngọc Kỳ, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.
Cũng nằm trên tuyến đường Trường Chinh, căn nhà số 212 nằm ngay mặt đường, nói là căn nhà nhưng có thể thấy sau khi thu hồi đất để phục vụ mở rộng mặt đường thì thực tế chiều rộng hiện chưa đến 1m. Mặt tiền cũng được chủ nhà chia ra, cho thuê để kinh doanh chứ cũng khó có thể ở được trong diện tích nhỏ như vậy.
Những căn nhà chỉ vọn vẻn vài mét vuông hay dãy nhà siêu mỏng chồng tới 4 tầng. Các tầng trên rộng gấp đôi tầng 1, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
TS. Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: "Nó chỉ là cái phần còn lại của cái nhà cũ sau khi bị giải tỏa, bị cắt đi. Nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho những người sử dụng".
Tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho những người sử dụng.
Những công trình méo mó như vậy sẽ không còn cơ hội được xây dựng kể từ 7/10, khi Quyết định 61 về điều kiện tách hợp thửa của TP Hà Nội chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, đối với khu vực nội thành Hà Nội, diện tích đất ở tối thiểu không nhỏ hơn 50m2, chiều dài trên 4m và chiều rộng giáp đường giao thông từ 4m trở lên. So với quy định cũ, diện tích tối thiểu để được tách thửa đã tăng thêm 20m2.
Ông Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay: "Đối với những thửa đất người dân đang sử dụng có diện tích nhỏ hơn diện tích đủ điều kiện tách thửa dưới 50m2 đã được cấp giấy chứng nhận. Trong trường hợp này người dân vẫn được phép sử dụng bình thường. Trường hợp đối với những thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong trường hợp đó nếu đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đất được sử dụng ổn định lâu dài, không có tranh chấp thì người dân vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên đối với những trường hợp người dân tách thửa thành 2 hoặc nhiều thửa đất thì chúng ta phải hết sức lưu ý về điều kiện, tiêu chí, diện tích tối thiểu tách thửa khi thực hiện giao dịch".
Thu hồi đất và bồi thường tại một số quốc gia
Những miếng đất "siêu nhỏ, siêu méo" như vậy hầu hết đều phát sinh từ quá trình giải phóng mặt bằng, mở đường, phân lô. Chính vì thế, Quyết định số 61 của UBND TP Hà Nội nhằm mục đích "đi trước một bước" trong việc giải quyết vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, ngăn chặn ngay từ đầu việc xây dựng những căn nhà méo mó không đạt chuẩn trên nhưng miếng đất "nhỏ và méo" còn dôi dư.
Còn với những dự án đang triển khai, sẽ thực hiện thu hồi nếu chủ hộ không hợp thửa, hợp khối với nhà liền kề. Đó là để tránh để phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến đường mới. Vậy còn gốc rễ của vấn đề là làm thế nào để không còn những mảnh đất "kì dị" như vậy sau khi mở đường, và việc bồi thường cho người dân cũng theo những nguyên tắc nhất định.
Mở rộng thêm hành lang đất hai bên đường và tổ chức đấu giá, đây là kinh nghiệm từ các nước phát triển, có thể ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo bằng việc mở rộng phạm vi, diện tích thu hồi hai bên đường khi thực hiện quy hoạch.
Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, một phần đất còn lại sau khi đền bù được đấu giá để lấy tiền xây dựng con đường. Một số nước còn dùng cơ chế góp đất và điều chỉnh đất đai trong việc mở đường tại các đô thị tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ.
Về bồi thường, ở Trung Quốc, nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất được xác định là phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở bằng hoặc cao hơn so với nơi ở cũ. Bồi thường khi thu hồi đất không căn cứ giá thị trường, mà phụ thuộc vào mục đích sử dụng ban đầu của khu đất bị thu hồi.
Ở Hàn Quốc, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo phương thức tham vấn và cưỡng chế. Việc bồi thường chi chủ đất do chủ dự án công trình thực hiện, chi trả bằng tiền mặt, sau đó mới bằng đất hoặc nhà ở xã hội.
Với những quy định mới trong Quyết định 61 của UBND TP Hà Nội, được đánh giá là cơ sở pháp lý quan trọng để các quận nội thành không có thêm những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo như trước. Còn đối với những căn nhà siêu nhỏ, lô đất méo mó hiện vẫn đang tồn tại, thành phố đã yêu cầu các địa phương rà soát, thu hồi sử dụng vào mục đích công cộng.
Cơ sở pháp lý đã có, quan trọng nhất là việc chia tách thửa đất, giải phóng mặt bằng cần thực hiện sao cho bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng đời sống dân sinh; đồng thời, cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!