Hai mặt sáng, tối của Fintech

Minh Long (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 06/08/2018 10:18 GMT+7

VTV.vn - Nhận diện và lường đón rủi ro từ Fintech. 3 mặt tối được tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn kể tên bao gồm đổ vỡ cho vay ngang hàng, lừa đảo tiền ảo và tính pháp lý của Fintech.

Theo Ban chỉ đạo về Fintech thuộc Ngân hàng Nhà nước, thị trường đang có hơn 40 công ty Fintech, trong đó, 60% tập trung vào thanh toán. Tuy nhiên, Fintech không chỉ là các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền mà mô hình này còn bao gồm gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang hàng, tư vấn tài chính cá nhân, tiền số crypto và quản trị dữ liệu.

Với vay ngang hàng peer to peer lending, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư vì bản thân các tổ chức cung cấp sản phẩm không được bảo hiểm tiền gửi, thiếu minh bạch và thường phải chọn phân khúc khách hàng nhiều rủi ro vì khách hàng ít rủi ro vẫn đang bám trụ vào hệ thống tài chính truyền thống.

Sau vụ đổ vỡ lớn tại Trung Quốc của Ezubao, hơn 2.100 trang cho vay ngang hàng ở Trung Quốc bị cảnh báo rằng phần lớn trong số đó là lừa đảo và nhà đầu tư sẽ mất hết tiền. Trong các vụ lừa đảo tiền ảo lãi suất cực lớn, hoạt động theo mô hình đa cấp, một số trường hợp tại Việt Nam có thể kể tới như Ifan, Pincoin, Bitconnect hay biến tưởng Sky Mining là rõ rệt nhất.

Tuy nhiên, đó là chuyện lừa đảo và rủi ro về mặt thị trường còn một vấn đề khác chính là rủi ro pháp lý. Hiện tại, khuôn khổ pháp lý và quản lý của Việt Nam về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực Fintech trong thanh toán, chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác như cho vay ngang hàng; chuyển tiền, thanh toán, tài trợ thương mại; gọi vốn từ cộng đồng.

Quan điểm từ Ban chỉ đạo về lĩnh vực Fintech cho rằng, hoạt động của Fintech là đổi mới, sáng tạo nên đôi khi chưa thể được quy định đầy đủ trong các văn bản pháp lý hiện hành.

Đa số các lĩnh vực Fintech hiện chưa được quản lý bởi các cơ quan quản lý nhà nước nên thiếu sự kiểm soát. Bên cạnh đó, do Fintech được ứng dụng trên nền tảng công nghệ nên nguy cơ gặp phải các rủi ro công nghệ là rất cao. Chính việc sử dụng rộng rãi các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số trong việc truyền tải dữ liệu khách hàng (đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán) làm gia tăng nguy cơ bị tấn công công nghệ.

Tờ Đầu tư Chứng khoán cho biết thêm, hoạt động của Fintech có thể làm gia tăng mức độ lệ thuộc vào bên thứ ba của hệ thống tài chính. Ví như công nghệ robot tư vấn và các công ty Fintech trong lĩnh vực cho vay phải dựa hoàn toàn vào một bên cung ứng dịch vụ dữ liệu thứ ba hay như việc các tổ chức tài chính đang dần lệ thuộc vào các công ty điện toán đám mây thay cho việc phải tự đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết. Việc này có thể dẫn đến rủi ro hệ thống khi cả thị trường hoặc nhiều tổ chức lớn trong thị trường phụ thuộc vào một số ít các công ty cung ứng dịch vụ.

Những câu chuyện trên không phải để nói rằng Việt Nam nên cấm hết mọi hoạt động ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính mà hơn bao giờ hết, Việt Nam cần có một khung pháp lý cho lĩnh vực Fintech theo hướng quy định lằn ranh màu đỏ không được bước qua ở đâu nhưng phải đủ thoáng để không bóp chết những sáng tạo có lợi.

Fintech Việt Nam có thể đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020 Fintech Việt Nam có thể đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020 Xu hướng phát triển của Fintech trong ngành tài chính Xu hướng phát triển của Fintech trong ngành tài chính Bắt tay Fintech - ngân hàng: Nhiều cơ hội nhưng đầy thách thức Bắt tay Fintech - ngân hàng: Nhiều cơ hội nhưng đầy thách thức

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước