Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một trong những nội dung sẽ được Quốc hội thảo luận là vấn đề liên quan đến lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới.
Quy hoạch này gắn với mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhanh, bền vững, tính liên kết liên vùng, liên tỉnh, gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn và thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương.
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030
Đi vào các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đất nông nghiệp được xác định là trên 27 triệu ha, giảm trên 251.000 ha so với năm 2020.
Thời gian qua, nhiều địa phương tập trung chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong đó, dự kiến quy hoạch diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm khoảng 348.000 ha, tập trung giảm tại vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Diện tích đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,9 triệu ha, tăng hơn 965.000 ha so với năm 2020.
Quy hoạch cũng đặt ra đến năm 2030 có 45 khu kinh tế với 1,65 triệu ha; đất khu công nghệ cao có 6 khu với trên 4 triệu ha; đất đô thị tăng lên trên 2,9 triệu ha, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%.
Một trong những mục tiêu quan trọng trong quy hoạch lần này là phải giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, đây là mức được tính toán để đảm bảo an ninh lương thực và nhu cầu của lương thực, xuất khẩu đến năm 2030.
Theo đề xuất trình Quốc hội, trong số 3,5 triệu ha đất trồng lúa, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300.000 ha, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.
Một vấn đề được Ủy ban kinh tế Quốc hội đưa ra đó là đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất lúa tương đối lớn, trên 48.000 ha. Khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp, diện tích đất lúa không thể khôi phục, do đó cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để làm các khu công nghiệp.
Hiệu quả chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp
Nhìn lại thực tế thời gian qua, phát triển công nghiệp là chỉ tiêu được nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra. Do vậy quy hoạch khu, cụm công nghiệp từ đất nông nghiệp mọc lên như nấm. Tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện đạt thấp, nhiều nơi chỉ nằm trên giấy. Đây là sự lãng phí lớn đồng thời gây nhiều khó khăn cho người dân địa phương.
Tại dự án cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, theo thời gian, thông tin dự án không còn nhiều. Trên thực địa cũng không có một công ty, xí nghiệp nào xuất hiện. Tuy nhiên những vất vả, khó khăn của người nông dân tại đây vẫn còn dai dẳng.
Hơn 10 năm qua, hàng chục ha đất canh tác lúa năng suất cao đã bị thu hồi làm cụm công nghiệp. Nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên đất bỏ hoang thời gian dài, bà con xót xa nên quay trở lại. Đất quy hoạch công nghiệp lại tiếp tục được phủ xanh bằng những rẫy rau màu tươi tốt.
Cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1 và 2 có diện tích 73 ha của 280 hộ gia đình. Sau nhiều năm, còn gần 100 hộ với hàng chục ha chưa bàn giao. Triển khai da beo, kéo dài nhưng vẫn chưa thành hình, trong khi người lao động địa phương rất cần việc làm.
Thời gian qua, nhiều địa phương tập trung chuyển đổi đất nông nghiệp sang công nghiệp. Trong khi chỉ tiêu đất khu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 đạt thấp, tỷ lệ lấp đầy chỉ 75%, thậm chí nhiều khu bị bỏ hoang.
Quốc hội sẽ giám sát quản lý sử dụng đất
Trong nội dung trình Quốc hội có đề xuất cho phép UBND cấp tỉnh thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án không phải trình Thủ tướng.
Cơ quan thẩm tra cho hay dù tán thành với chủ trương tiếp tục phân cấp cho các địa phương, nhưng đề xuất này cần được đánh giá kỹ lưỡng để tránh nguy cơ bị lạm dụng chính sách.
Một số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kiến nghị này của Chính phủ là một thay đổi chính sách lớn, vì vậy cần phải được tổng kết và đánh giá thật kỹ lưỡng; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp rà soát số liệu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong theo dõi, quản lý đất đai.
"Việc quản lý sử dụng đất này là một trong trọng tâm giám sát tối cao của Quốc hội lần này. Trong việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đi từng địa điểm từng nơi một để khảo sát. Tổng số diện tích đã giao, nhưng sử dụng không đúng mục đích là bao nhiêu; bao nhiêu cái dự án treo ở đấy, bao nhiêu đất đai đưa vào sử dụng, đất nông nghiệp để hoang hóa là bao nhiêu? Xây nhà, xây cửa, sử dụng trái phép đất nông nghiệp, phần lớn các vụ phức tạp liên quan đến đất đai môi trường nằm ở lĩnh vực này", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế về quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
Việc quản lý, sử dụng đất không thể chỉ tính cho hiện tại, mà còn phải tính cho cả tương lai. Đồng thời, đất đai phải được phân bổ hợp lý với tầm nhìn dài hạn không chỉ 5 năm hay 10 năm, mà còn phải xa hơn trong tiến trình phát triển của đất nước.
Quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương, tạo tính liên kết liên vùng, liên tỉnh và phải bảo đảm được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Theo chương trình kỳ họp, ngày 30/10, Quốc hội sẽ Thảo luận về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Đất chuyên trồng lúa là loại có đặc trưng riêng về thổ nhưỡng và hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải xem xét dựa trên những yếu tố nào?
Có thể thấy, ngoài nhu cầu chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản, vẫn có một diện tích đất lúa không nhỏ được chuyển đổi thành đất để phát triển công nghiệp và đô thị. Đây là hai lĩnh vực tiếp tục được đẩy mạnh phát triển trong 10 - 20 năm tới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã chỉ ra. Vậy trong quy hoạch sử dụng đất những năm tới, làm thế nào để hài hòa cả mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, cũng như phát triển công nghiệp và đô thị?
Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay (29/10) với sự tham gia của ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới. Mời quý vị theo dõi qua video trên!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!