Năm 2020, theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 60% lượng phát thải trong lĩnh vực năng lượng là đến từ công nghiệp năng lượng, trong đó chủ yếu từ sản xuất điện năng. Vì thế, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là vô cùng quan trọng để Việt Nam hướng tới đạt mục tiêu NetZero vào năm 2050.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế hỗ trợ, phát triển, khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Theo đó, các dự án điện mặt trời được vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 và các dự án điện gió vận hành trước ngày 1/11/2021, sẽ được hưởng cơ chế giá ưu đãi theo quy định.
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, đã khiến 85 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 4.700 MW không được huy động phát điện. Trước thực tế này, một cơ chế huy động nguồn điện, sửa đổi quy hoạch điện để đảm bảo hiệu quả trong công tác đầu tư cho các dự án và giảm sự lãng phí lớn cho nguồn lực xã hội đang là yêu cầu đặt ra.
Hơn 4.000 tỷ đồng là số tiền mà Công ty cổ phần Phong Điện Gia Lai bỏ ra để đầu tư nhà máy điện gió với công suất 100 MW. Nhưng do dự án triển khai trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, thời gian giãn cách xã hội kéo dài… nên dự án đã không thể về đích đúng thời gian yêu cầu. Vì thế họ không được hưởng cơ chế giá bán điện ưu đãi khi đầu tư vào điện gió.
Ngay cả các dự án đáp ứng tiêu chí được hưởng cơ chế giá ưu đãi cũng đang gặp những khó khăn hiện tại. Như tại dự án điện gió Hoà Bình 5, với tổng công suất 80MW cũng đang gặp những hạn chế về khả năng truyền tải, đã khiến việc huy động nguồn không được như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Như Thức - Chủ đầu tư dự án Điện gió Hoà Bình 5, Bạc Liêu cho biết: "Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đó là việc bị ưu tiên giảm phát công suất theo kế hoạch phát điện AGC. Nguyên nhân do tuyến đường dây 220KV từ Bạc Liêu đi Sóc Trăng vẫn chưa được Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty truyền tải điện quốc gia thực hiện đầu tư".
Nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, đã khiến 85 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 4.700 MW không được huy động phát điện. Ảnh minh họa.
Khó khăn không chỉ với các dự án, hiện các địa phương cũng đang gặp khó khi muốn thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Như tại tỉnh Ninh Thuận, với 46 dự án điện gió và điện mặt trời đang vận hành, do những vướng mắc phát sinh, nên số tiền mà EVN nợ đọng, chưa thanh toán đã lên tới 2.700 tỷ đồng.
Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: "2.700 tỷ là số tiền rất lớn trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, chính vì vậy tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam tiếp tục sớm xem xét để thanh toán và giải quyết dứt điểm những tồn tại trong thời gian qua. Với tinh thần là tỉnh cũng như các nhà đầu tư sẽ khắc phục tất cả những tồn tại theo quy định của pháp luật và theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ".
Năm ngoái, để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện chuyển tiếp. Theo đó, mức giá này thấp hơn từ 21 - 29% cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió không được hưởng cơ chế giá ưu đãi.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm áp dụng cơ chế giá này, chưa có một dự án nào được huy động với giá chuyển tiếp, mà mới chỉ có 29/85 dự án năng lượng tái tạo được tạm huy động phát điện. Và giá mua điện tạm tính chỉ bằng 50% cơ chế giá chuyển tiếp đã ban hành.
"Bộ Công Thương chúng tôi đã và đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sớm xem xét, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp", ông Trần Hoài Trang - Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thông tin.
Khó khăn về tài chính được cho là một trong những điểm nghẽn cho quá trình phát triển năng lượng tái tạo. Bởi áp lực tài chính trong ngắn hạn và cả về dài hạn là khoản nợ ngân hàng với số vốn vay lên tới cả ngàn tỷ đồng với mỗi dự án. Vì vậy, nếu không giải quyết được điểm nghẽn, giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo thì áp lực thiếu hụt năng lượng sẽ ngày càng cao, trong khi lượng điện từ năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục theo nắng và gió bay đi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!