Hàng loạt giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu

VTV Digital (Ảnh: Dân trí)-Thứ ba, ngày 20/07/2021 06:15 GMT+7

VTV.vn - Nhiều giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu trong bối cảnh giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 trên các tỉnh, thành được các Bộ ban ngành đưa ra.

Vận hành "luồng xanh" đường thủy vận chuyển rau củ quả

Ngay sau khi có thông tin về việc thực hiện giãn cách xã hội ở vùng phía Nam, các Bộ ngành giữ vai trò chủ chốt cũng lập tức bắt tay vào việc chống đổ gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các tổ công tác chuyên biệt trực tiếp vào miền Nam để hỗ trợ cung ứng hàng hóa, kết nối tiêu thụ nông sản.

Sau khi công bố "luồng xanh quốc gia" cho xe đi qua vùng dịch, Bộ Giao thông Vận tải cũng lập tổ công tác đặc biệt tại miền Nam để xử lý, giải quyết ngay phát sinh liên quan trong hoạt động vận tải.

Dù vậy, thực tế các xe chở hàng di chuyển theo "luồng xanh" giữa các điểm nóng như 19 tỉnh miền Nam được phản ánh là vẫn chưa thực sự "xanh" - tức là doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các loại giấy thông hành, đặc biệt là giấy xét nghiệm COVID-19. Nỗi lo về chậm trễ lưu thông hàng và thiếu hụt cục bộ hàng hóa thiết yếu vẫn hiển hiện.

Hàng loạt giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu - Ảnh 1.

TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành "luồng xanh" trên đường thủy để vận chuyển hàng rau củ quả.

Liên quan đến kiến nghị bỏ giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong lưu thông hàng với 19 tỉnh, thành phía Nam, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 sáng 18/7, Ban chỉ đạo đã thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hóa trong nội bộ vùng 19 tỉnh, thành này theo tinh thần lái xe, người đi cùng không cần có giấy xét nghiệm âm tính nhưng phải khử khuẩn, không tiếp xúc người khác.

Tuy nhiên để "tinh thần" này được hiện thực hóa, cần sớm có những văn bản hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó về phía các địa phương, ngay trong sáng 19/7, TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành "luồng xanh" trên đường thủy để vận chuyển hàng rau củ quả bằng tàu từ Tiền Giang, Bến Tre, Long An lên cung ứng cho TP Hồ Chí Minh, giải tỏa một phần áp lực cho đường bộ.

"Luồng xanh" đường thủy này giúp giảm nhiều thời gian vận chuyển do không phải đi qua các chốt kiểm dịch. Trong ngày 19/7 đã có gần 40 tấn nông sản được vận chuyển bằng tàu từ các tỉnh để bàn giao cho Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phân phối đến các điểm bán lẻ. Công suất tối đa thời gian tới có thể lên tới 100 tấn mỗi ngày.

Giải pháp từ 3 Bộ

Trong ngày 19/7, phóng viên VTV cũng đã ghi nhận ý kiến của lãnh đạo các Bộ: Giao thông Vận tải, Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn để tìm hiểu các giải pháp mang tính chiến lược, toàn diện hơn với bài toán đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa cho phía Nam.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngay trong đêm 18/7, tổ công tác tiền phương đặc biệt đã được Bộ trưởng ký thành lập do một Thứ trưởng đứng đầu. Ngày 19/7, tổ công tác đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh để trực tiếp phối hợp và tháo gỡ cho công tác vận tải hàng hoá.

Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Đoàn vào sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp để xử lý những vấn đề trực tiếp để làm sao tháo gỡ những khó khăn vướng mắc thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ, phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đáp ứng nhu cầu vận tải tốt nhất trong chống dịch".

Còn theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tổ công tác của Bộ có nhiệm vụ kết nối các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ để sẵn sàng các nguồn hàng thiết yếu nhằm đảm bảo cung ứng cho người dân tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

"Tổng Cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tại các địa phương phối hợp đảm bảo chống găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng. Cục điều tiết Điện lực và Tập đàn Điện lực Việt Nam đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt, kinh doanh và y tế trong bất kỳ tình huống nào", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Hàng loạt giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu - Ảnh 2.

Một số chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh đã được mở cửa trở lại. Ảnh minh họa.

Ngay trong chiều 19/7, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 19 Sở chuyên ngành tại khu vực phía Nam nhằm thúc đẩy sản xuất, cung ứng và tiêu thụ nông sản, lương thực thực phẩm chi người dân trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói: "Chúng tôi tham gia cùng địa phương xây dựng một số chuỗi nông sản an toàn để đưa vào siêu thị, chợ thành trung tâm phố. Đồng thời, kiến nghị quan tâm hỗ trợ các cơ sở giết mổ, đóng gói sản phẩm, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, triển khai xúc tiến thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ sản phẩm".

Đó là những giải pháp căn cơ để đảm bảo lưu thông hàng từ vùng trồng, nơi sản xuất đến các địa phương, đơn vị phân phối. Một vấn đề cũng quan trọng không kém là nhóm giải pháp lưu thông hàng từ đơn vị phân phối cho đến tay người dân cũng đang được triển khai quyết liệt hơn.

Trong cuộc họp tổng kết 7 ngày cách ly xã hội, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết có thời điểm thành phố thiếu hụt đến 1.000 tấn thực phẩm tươi, rau củ quả mỗi ngày - so với con số trung bình 7.000 tấn trước dịch.

Tình hình trầm trọng hơn khi thời gian qua phần lớn các chợ đầu mối, chợ truyền thống, điểm bán nhỏ lẻ tại TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa phòng dịch. Trong khi thông thường, kênh này "tải" đến hơn khoảng 70% lượng hàng đến tay người dân.

Các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay thương mại điện tử chỉ có công suất tải được 30%, dẫn đến tình trạng quá tải. Người dân khó mua hàng. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa miền Nam điều kiện tiên quyết đảm bảo cung ứng hàng là phải mở lại các chợ truyền thống. Chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu thực hiện việc này vài ngày gần đây.

Nhiều giải pháp mới gỡ lưu thông hàng hóa

Chợ Bình Thới là một trong số chợ truyền thống đầu tiên được mở cửa trở lại tại TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, trong tuần này sẽ có hơn 10 chợ truyền thống khác cũng được mở lại, trước tiên với các mặt hàng thực phẩm rau củ quả thiết yếu.

Để được bán lại, các chợ phải có phương án tổ chức hoạt động luân phiên, tiểu thương có kết quả xét nghiệm âm tính. Các hình thức mua hàng qua điện thoại, mua hàng trực tuyến tiếp tục được khuyến khích để đảm bảo tối đa quy định phòng dịch.

"Nhờ ban quản lý kiểm soát chặt nên cũng thấy an toàn", bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Tiểu thương chợ Bình Thới, quận 11, TP Hồ Chí Minh cho hay.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh nói: "Chọn các tiểu thương có năng lực, kinh nghiệm, có mối lái nguồn cung tổ chức nhận hàng về. Hàng hoá sẽ được làm theo phương thức đồng giá, người dân khu phố được thông tin mặt hàng, giá cả, phát phiếu đi chợ".

Còn với các chợ trực tuyến cũng đang tăng công suất. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn, để tận dụng lợi thế hệ thống kho hàng, giao vận sẵn có.

Theo đó, sàn Lazada cho biết đã thiết kế một quy trình mới cho vài chục nhà bán rau củ quả trong những ngày qua, giảm đến 2/3 thời gian chuyển đổi lên sàn và bỏ đi một số khâu trung gian trong quy trình thông thường để tăng tốc độ giao hàng tươi sống.

Hàng loạt giải pháp chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu - Ảnh 3.

Bộ Công Thương khẳng định đủ hàng hóa, bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho người dân.

1.000 địa điểm bán hàng thực phẩm mới cũng được ngành Công Thương thành phố bổ sung, bằng cách huy động mặt bằng sẵn có của các chuỗi cửa hàng thiết yếu khác như bưu điện hay dược phẩm...

Hiện đã có gần 500 điểm bán thực phẩm chéo được tổ chức và đang tiếp tục được mở rộng để đạt mục tiêu 1.000 điểm. Hoạt động sẽ duy trì cho đến khi các chợ truyền thống hoạt động trở lại bình thường.

Trước bối cảnh áp dụng nguyên tác Chỉ thị 16 với 19 tỉnh thành phía Nam, Bộ Công Thương đã nhiều lần khẳng định là "đã sẵn sàng kịch bản đủ hàng hóa", bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho người dân. Trong mọi tình huống, hai ngành Công Thương và Nông nghiệp chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực thực phẩm, thuốc men.

Để tránh những xáo trộn không đáng có trong giai đoạn khó khăn, về phía Bộ, ngành địa phương sẽ cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo lưu thông, phân phối hàng hóa. Người dân cũng cần bình tĩnh, không tích trữ hàng hóa quá nhu cầu khiến tự gây khó cho mình và người khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước