Bộ Tài chính cho biết MobiFone là doanh nghiệp chưa thực hiện các kế hoạch cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra.
Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.
Một trong số các nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa diễn ra chậm chạp là do các doanh nghiệp cần thời gian để kiểm kê tài sản, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý đất đai.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai kế hoạch cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, MobiFone, Argibank… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm. (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát cũng đã ảnh hưởng đến việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn và thị trường chứng khoán. Đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp, phạm vi hoạt động rộng, sở hữu nhiều đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên việc xử lý tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất; xác định, kiểm toán giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài.
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân dẫn đến thoái vốn chậm là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.
Vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp chậm? VTV.vn - Đây là vấn đề được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu lên tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!