Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu một lần nữa đặt ngành chăn nuôi Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro. Một câu hỏi lớn vẫn chưa lời giải đáp: "Làm thế nào để chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi"?
Gần đây nhất, Bộ Công Thương vừa đưa khuyến cáo với các doanh nghiệp, trước biến động tăng giá của các loại nguyên liệu thô làm thức ăn chăn nuôi thời gian qua. Bộ khẳng định, các doanh nghiệp cần chủ động kế hoạch nhập khẩu và sản xuất của mình để tránh ảnh hưởng tiêu cực từ những diễn biến trên.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định: "Chúng tôi thấy rằng đây là đầu vào của nhiều doanh nghiệp trên thế giới, có chu kỳ là hết sức hình thường. Chúng tôi có cảnh báo đối với doanh nghiệp để họ có thể biết và chủ động".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng những cảnh báo trên của Bộ là kịp thời, nhưng có lẽ họ còn muốn nhiều hơn thế. Mỗi năm các doanh nghiệp bỏ ra trên dưới 6 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thô nên họ cũng cần những biện pháp mang tính dài hơi hơn trong chính sách nhập khẩu các loại nguyên liệu như ngô, đậu tương, lúa mì, là những loại cây trồng không phải ưu thế của Việt Nam.
Đề án ưu tiên phát triển công nghiệp hóa ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi
Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu một lần nữa đặt ngành chăn nuôi Việt Nam đứng trước nhiều rủi ro.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 2 năm nay, Bộ này sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án ưu tiên phát triển công nghiệp hóa ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nay đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, để một mặt đáp ứng nhu cầu 40 triệu tấn thức ăn tinh và 144 triệu tấn thức ăn thô xanh trong vòng 10 năm tới, một mặt giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Điểm mới trong đề án chỉ ra những lĩnh vực ưu tiên khuyến khích nông dân mở rộng diện tích từ 200 đến 300.000 nghìn ha để trồng cỏ, trồng ngô sinh khối và một số cây khác làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào việc thu mua nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi. Đặc biệt trong đề án cũng đưa ra các chính sách ưu đãi về vốn, đất đai để khuyến khích người dân, doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào chuỗi giá trị chăn nuôi.
Tiềm năng sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm trong nông nghiệp
Một trong những điểm đáng chú ý trong đề án công nghiệp hóa ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vừa đề cập ở trên, Bộ Nông nghiệp chỉ rõ cần tận dụng tối đa nguồn phế phụ phẩm từ nông nghiệp. Hiện nay mỗi năm chúng ta có hàng triệu tấn bã bia, 40 triệu tấn rơm, bã sắn, bã dứa… chưa được sử dụng. Giải pháp tận dụng phế phụ phẩm để làm thức ăn chăn nuôi, được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn có cơ sở vì trên thực tế đã có những doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực này.
Theo thống kê, hàng năm ngành nông nghiệp có khoảng 114 triệu tấn phế phụ phẩm là thân cây ngô, cây đậu, rơm rạ, vỏ trấu…. và đây được coi là nguồn tài nguyên dồi dào để chúng ta có thể từng chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. Để phát huy tốt nguồn phụ phẩm trên thì vai trò của doanh nghiệp là đi đầu, cùng với chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước.
Để tránh lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ngành chăn nuôi có hẳn một đề án phát triển, tuy nhiên nỗ lực của ngành chăn nuôi là chưa đủ mà cần phải có sự vào cuộc từ nhiều ngành và cơ quan, nhất là sự chủ động của các doanh nghiệp và mỗi người dân, để biến những giải pháp trên thành những hành động cụ thể, góp phần quan trọng đảm bảo mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi 5 năm tới là đạt mức tăng trưởng trung bình 4 - 5%/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!