Ở phường 3, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, dọc theo nhiều con đường trước đây là nơi của những homestay từng gây sốt trên mạng xã hội. Hiện tại, có homestay đã tháo dỡ, trả lại mặt bằng cho chủ đất. Có homestay đã nhiều lần sang nhượng, thay tên đổi chủ.
Anh Nguyễn Phú Hào - Quản lý homestay, TP Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết, một năm nay anh tìm mọi cách để giữ sức hút cho homestay nhưng đó là việc không hề dễ dàng.
"Homestay đang bị sang nhượng, bán đi rất nhiều. Việc phát triển homestay đang bị chậm đi", anh Hòa chia sẻ.
Chỉ tính trong hai năm 2021- 2022, trào lưu bỏ phố về quê đã đưa Đà Lạt trở thành nơi được nhiều người tìm đến để đầu tư homestay. Khi đó, gần như bất cứ thửa đất nào có vị trí đẹp thì ngay lập tức được các nhà đầu tư săn lùng, mua hoặc thuê đất, để xây dựng homestay. Đầu tư trong cơn sốt nên số tiền nhà đầu tư bỏ ra khá lớn.
Các homestay đang đứng trước sự canh tranh gay gắt.
Bà Lê Thị Thắm - Trưởng ban điều hành Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tại Lâm Đồng cho biết: "Chỉ vài trăm triệu đồng là các bạn trẻ nhảy vào thuê kinh doanh, tiền trang trí thì nhiều nhưng đa số các dịch vụ lại không đăng ký kinh doanh. Hôm nay, họ tạo điểm check-in này, ngày mai điểm khác hot hơn thì khách lại qua bên đó, dẫn đến tình trạng không còn khách hàng nữa. Cần phải nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh để tìm ra mô hình kinh doanh bền vững, có nét độc đáo riêng, không nên chạy theo xu thế hoặc làm ăn theo kiểu ăn xổi".
Hiện trên địa bàn thành phố Đà Lạt có trên 2.400 cơ sở lưu trú các loại, tương đương 31.000 phòng. Điều đó cũng có nghĩa, các homestay đang đứng trước sự canh tranh gay gắt. Có những homestay rao bán với mức giá chỉ bằng một nửa so với mức đầu tư vẫn không bán được. Riêng đất nông nghiệp, đất vườn trước đây có giá cao khi còn cơn sốt homestay nay giá giảm đi đến trên dưới 30% mà vẫn trầm lắng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!