Hình minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass mới đây cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thiệt hại lớn chưa từng có, trong khi những nỗ lực phục hồi đang bị cản trở do sự thiếu hụt nguồn lực để bù đắp cho những tổn thất do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo ông Malpass, trong khi WB đang gấp rút triển khai những chương trình mới nhằm giải ngân 160 tỷ USD cho 100 quốc gia, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ buộc các nước đang phát triển phải suy nghĩ lại về cấu trúc nền kinh tế của mình.
Người đứng đầu WB chỉ ra rằng dù các nền kinh tế phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng suy thoái sâu sắc nhất khi tính theo tỷ lệ phần trăm, tình hình sẽ nguy hiểm hơn ở các nước nghèo nhất vì họ vốn đã gần với chuẩn nghèo đói từ trước đại dịch.
Hình minh họa. (Ảnh: Reuters)
Sự suy giảm tại các nước nghèo phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc các nền kinh tế phát triển có thể mở cửa trở lại sớm thế nào vì các quốc gia đang phát triển này phụ thuộc vào thị trường ở các nước giàu.
Bên cạnh đó, khi các quốc gia đang chật vật tìm kiếm nguồn tài chính cho các nhu cầu cấp thiết về thiết bị y tế và phương pháp điều trị, cũng như đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm, họ buộc phải rút cạn các nguồn lực dành cho giáo dục và các khoản đầu tư quan trọng khác. Chính sự thiếu vắng của các khoản đầu tư đó sẽ làm suy yếu tiềm năng tăng trưởng trong quá trình phục hồi sau đại dịch của các nước nghèo.
Do vậy, để giảm bớt những tác động gây tổn hại lâu dài ngoài cuộc khủng hoảng trước mắt, các chính phủ sẽ phải tính toán lại và định hình lại chính sách của họ, cũng như công nhận rằng kinh tế toàn cầu sẽ hoàn toàn khác trong tương lai.
Theo ông Malpass, các nhà hoạch định sẽ phải đầu tư vào các mô hình việc làm và doanh nghiệp mới trong một nền kinh tế tiên tiến, thay vì cố tái cấu trúc vốn cho nền kinh tế như trước đây.
Chủ tịch Malpass cho biết, ban đầu WB ước tính 5.000 tỷ USD thiệt hại về giá trị kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra có thể là chưa đủ so với thiệt hại thực tế từ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của các nước. WB cũng cảnh báo suy thoái toàn cầu sẽ khiến khoảng 60 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực, song dự báo này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều khi khủng hoảng tiếp diễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!