Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất sau bão số 3

Cung Nguyễn-Thứ tư, ngày 25/09/2024 14:52 GMT+7

VTV.vn - Ngành ngân hàng trở thành chỗ dựa của nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cơn bão số 3 (Yagi) có cường độ rất mạnh, ảnh hưởng tới nhiều tỉnh thành tại miền Bắc nước ta. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó yêu cầu ngành ngân hàng trở thành chỗ dựa của nhân dân để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Trước đó, tại buổi làm việc với một số địa phương bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Ngân hàng cần trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Bằng thẩm quyền của mình, các tổ chức tín dụng cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi.

Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: "Agribank cũng đã thành lập các đoàn công tác đi thực địa, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn. Đến nay Agribank có khoảng hơn 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 21.000 tỷ đồng. Hiện nay còn rất nhiều địa phương cũng đang tiếp tục thống kê".

Ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: "Tính đến ngày 11/9, theo ước tính, đã có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Trong đó, tại Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng".

Ông Lê Duy Hải - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: "Theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Tới đây, VietinBank sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại của các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp".

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất sau bão số 3 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiệt hại tại khu nuôi trồng trên biển ở Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP thông tin: "Bão gây ra thiệt hại nặng nề cho chúng tôi khoảng 10ha khu vực nuôi trồng thủy sản, toàn bộ phụ tùng, phụ kiện đều bị thất lạc do bão, rong sụn, hàu, và vật nuôi trong lồng bè bị thiệt hại hoàn toàn. Đặc biệt chúng tôi bị mất toàn bộ giống rong quý, là các giống đã được nghiên cứu và phát triển trong 4 năm qua. Chúng tôi rất mong được giảm lãi suất, ân hạn gốc lãi và đặc biệt ngân hàng xem xét cho vay mới để chúng tôi tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh".

Với 69,7ha nuôi tôm đã bắt đầu cho thu hoạch, ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản G&A, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh đau xót chia sẻ: "Chưa bao giờ gặp một cơn bão to, có sức tàn phá lớn như vậy, toàn bộ 2 đầm nuôi tôm của tôi bị mất trắng hoàn toàn, thiệt hại khoảng 42 tỷ đồng. Chúng tôi đang thống kê tài sản thiệt hại tiếp và khắc phục hậu quả sau bão. Khó khăn nhất với tôi và toàn thể bà con giờ là nguồn vốn để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh vì tài sản thế chấp hiện tại không chỉ riêng tôi mà còn nhiều bà con khác đều đã thế chấp bằng bất động sản để vay vốn nuôi thủy sản".

Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp sau bão bằng những hành động thiết thực

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất sau bão số 3 - Ảnh 2.

Thiệt hại do bão số 3 gây ra tại khu nuôi tôm của người dân ở phường Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

Đến nay đã có nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về các hình thức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp không chỉ thông qua các gói vay mới mà còn hỗ trực trực tiếp lãi suất vào các khoản vay của khách hàng. Đúng với tinh thần Ngân hàng cần trở thành chỗ dựa cho doanh nghiệp, người dân như Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước ông Đào Minh Tú nói.

"Agribank sẽ áp dụng với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 với lãi suất giảm từ 0,5% - 2% trên lãi suất mà hiện nay chúng tôi đang áp dụng với khách hàng. Agribank đang áp dụng Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ cho khách hàng, chính sách cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55 và Thông tư 02", bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết.

Ông Lê Hoàng Tùng - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho hay: "Ngân hàng đã và đang xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng".

Các ngân hàng thương mại cũng đưa ra các chính sách giảm lãi vay từ 0,5 -2%/năm cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh ở khu vực phía Bắc. Cụ thể, Ngân hàng ACB giảm 1 - 2% lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ thiên tai. VPBank cũng thông báo giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất, triển khai từ ngày 13/9 đến hết 31/12. TPBank giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng do bão, lũ gây ra bởi cơn bão số 3 và sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31/1/2025.

Với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước về khắc phục các thiệt hại do bão số 3 gây ra, đặc biệt là các gói hỗ trợ trực tiếp về lãi suất, giãn, hoãn nợ, cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão cho thấy quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ bằng mọi cách để đưa nền kinh tế sớm ổn định, phục hồi sản xuất trong tình hình mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước