* Tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19
220.000 tỷ đồng là tổng số dư nợ đã được các NHTM cam kết hỗ trợ lãi suất đối với những người vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chỉ trong vòng 3 tuần vừa qua. Thống kê sơ bộ vừa được NHNN công bố tại hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sáng 2/3.
Theo báo cáo của NHNN, đến nay, đã có hơn 44.000 khách hàng được hỗ trợ thông qua việc miễn giảm lãi suất, phí hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất từ dịch bệnh như xuất, nhập khẩu, du lịch, vận tải, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất công nghiệp.
Ngoài ra, các NHTM cũng đang xây dựng thêm các chương trình ưu đãi cho vay mới với tổng giá trị khoảng 250.000 tỷ đồng. 20 ngân hàng tích cực nhất trong việc hỗ trợ phòng chống tác hại của dịch bệnh cũng được NHNN biểu dương, đánh giá cao tại hội nghị.
* Hỗ trợ lãi suất cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Điểm đáng nói là nguồn vốn giá rẻ này đều do các NHTM tự cân đối nguồn, chứ ngân sách nhà nước không phải bỏ tiền cấp bù lãi suất cho các ngân hàng như một số gói tín dụng ưu đãi trước kia. Hơn nữa, không chỉ đối với các khoản giải ngân mới, mà một số ngân hàng còn tính tới chuyện giảm lãi vay cho cả những khoản vay hiện hữu. Những hỗ trợ tức thì về nguồn vốn, được nhiều doanh nghiệp xem như liều vaccine giúp DN hạn chế được cú sốc từ dịch COVID-19.
Từ khi bùng phát dịch, nhu cầu đi lại, vận tải hàng không sụt giảm rõ rệt. Còn với nhiều doanh nghiệp sản xuất, thường xuyên phải nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, trong khi hoạt động xuất khẩu khó khăn, việc giảm lãi suất đã giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí.
Tùy thuộc vào sức khỏe tài chính, mỗi ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất cho vay khác nhau, từ 0,5% - 3%/năm, hoặc không tính lãi phạt với những khoản vay chậm trả.
Hiện gần 5.000 khách hàng đã được trực tiếp giảm lãi vay, các tổ chức tín dụng cho biết đang xem xét hồ sơ miễn giảm lãi của hơn 34.000 khách hàng nữa.
* Điểm mới của Dự thảo thông tư hướng dẫn cơ cấu nợ, miễn giảm lãi
Nếu giảm lãi suất được xem là liều vaccine chống sốc tức thời thì liều thuốc dài hơi hơn cũng được ngành ngân hàng đưa ra là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Một dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết vừa được NHNN đưa ra lấy ý kiến.
Theo đó, các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay với khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi do chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 hoặc với khoản nợ quá hạn từ ngày 23/1 đến khi thông tư được ban hành.
Tổng thời gian cơ cấu nợ sẽ không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu, tương đương 1 chu kỳ vay vốn. Để được giữ nguyên nhóm nợ, khoản nợ đó phải có thời hạn trả nợ nằm trong khoảng từ ngày 23/1 kéo dài tới 90 ngày sau khi Nhà nước công bố hết dịch.
* Cần tiêu chí để cơ cấu nợ cho DN bị ảnh hưởng
Ngay trong cuộc họp sáng 2/3, nhiều NHTM đã đưa ra những ý kiến góp ý cho dự thảo. Dựa trên thực tiễn cho vay, đa phần các NHTM đều mong muốn NHNN sẽ bổ sung thêm những hướng dẫn chi tiết về điều kiện, tiêu chí xác định đối với các khoản vay chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để các ngân hàng có thể cơ cấu nợ sớm cho DN.
Theo quy định thông thường, nếu doanh nghiệp đến kỳ không trả được nợ sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, cần theo dõi đánh giá nợ xấu, khó có thể vay thêm vốn từ các NHTM.
Nhưng theo dự thảo mới, những DN này sẽ được xem xét cơ cấu nợ, giãn thời hạn trả nợ, hoặc giữ nguyên nhóm nợ, giúp các doanh nghiệp có cơ hội vay thêm vốn để phục hồi sản xuất. Dự thảo đang yêu cầu các NHTM phải có quy định nội bộ để xác định thế nào là DN được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, các NHTM đều mong muốn có một khung tiêu chí từ NHNN để thực hiện thống nhất trên toàn hệ thống.
Việc cơ cấu nợ là cần thiết nhưng ít nhiều sẽ gây ra rủi ro nợ quá hạn với các NHTM. Vì thế, một số chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần có những tính toán cụ thể, thậm chí, đề ra ngoại lệ cho một số trường hợp đặc thù.
Tiếp thu ý kiến góp ý, đại diện NHNN cho biết sẽ dựa trên báo cáo đánh giá tác động của Bộ Công Thương về mức độ nặng nhẹ của từng ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch để đưa ra khung tiêu chí cụ thể, giúp các ngân hàng có cơ sở hỗ trợ DN
Hiện dự thảo thông tư hướng dẫn chi tiết vẫn đang tiếp tục được NHNN lấy ý kiến từ các Bộ ngành và các tổ chức tín dụng. Cơ quan này khẳng định sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất có thể để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ DN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!