Hoán đổi nợ thành cổ phần - lựa chọn cho bài toán cơ cấu nợ?

Phương Huyền - Bằng Việt (TCKD)-Thứ tư, ngày 17/12/2014 06:00 GMT+7

Kế hoạch hoán đổi nợ của Vinalines tại Ngân hàng Vietinbank đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Kế hoạch hoán đổi nợ của Vinalines tại Ngân hàng Vietinbank đang được trình lên chờ ý kiến phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Dù thời điểm này, trả lời bản tin Tài chính Kinh doanh, đại diện Vinalines cho biết, chưa chắc chắn bao nhiêu % trong khoản nợ của doanh nghiệp tại Vietinbank sẽ được hoán đổi. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những câu chuyện được nói đến nhiều trên thị trường tài chính những ngày gần đây. Đơn giản bởi câu hỏi, đây là một thương vụ đầu tư bình thường, hay là một chiến lược mới trong xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.

Hoán đổi nợ thành cổ phần góp vốn không phải giải pháp mới, đây được xem là một trong 6 giải pháp thông thường mà các quốc gia trên thế giới sử dụng để xử lý nợ xấu. Thông thường trên thế giới, tham gia vào các thương vụ này là các ngân hàng đầu tư chứ không phải ngân hàng thương mại. Nhưng theo quy định ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại hoàn toàn được phép đầu tư trong giới hạn 40% vốn điều lệ của mình.

Hình thức này cũng không phải quá lạ ở Việt Nam. Hai năm trước, Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An Bianfishco được tái cơ cấu bằng hình thức tương tự. Các ngân hàng cũng là các chủ nợ đã cùng phối hợp chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. SHB khi đó trở thành cổ đông lớn nhất, với 50% vốn điều lệ (khoảng 250 tỉ đồng).

Ông Nguyễn Đức Kiên - Đại biểu Quốc hội, Chuyên gia kinh tế cho rằng: "Chủ nợ được tham gia trực tiếp vào quá trình quản trị doanh nghiệp, như một kênh giám sát, chủ nợ cũng được chia một phần lợi nhuận từ phần vốn mình góp vào doanh nghiệp. Đây là biện pháp tốt cho cả hai bên, hai phương án này đã bước đầu cho kết quả".

Theo các chuyên gia, đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi. Một mũi tên trúng nhiều đích: thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu xử lý nợ xấu, cùng với đó giúp doanh nghiệp vượt khó khăn. Tuy nhiên, đối với ngân hàng, đây là một thương vụ đầu tư. Và tất nhiên là đầu tư thì ngân hàng không thể không chủ động với nguồn vốn của mình.

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nói: "Ngân hàng không thể theo đuổi mãi vụ đầu tư này mà phải xác định thời hạn thoái vốn cho phù hợp, vì cái đó phù hợp với yêu cầu chủ trương của Chính phủ, giúp ngân hàng đảm bảo vốn của mình tốt hơn. Ngoài ra NHNN cũng cần định hướng dần chấp nhận thoái vốn thấp hơn giá hiện nay".

Theo ông Nguyễn Đức Kiên: "Trong bất cứ hoạt động đầu tư nào đều có đi kèm rủi ro, nhưng ở đây rủi ro trong quá trình chuyển đổi nợ thành cổ phần góp vốn là rủi ro đã dự báo trước. Tăng trưởng kinh tế thế giới có dấu hiệu tốt, có cơ sở để hy vọng thị phần vận tải những năm tới, ngân hàng thương mại không phải không có chức năng đầu tư, ở trong phương thức này, họ chọn phương án tối ưu, nhiều tiềm năng thu hồi vốn tốt nhất. Nếu chọn phương án cho Vinalines phá sản hoặc bán cho các tổ chức công ty mua bán nợ thì chưa chắc khoản thu hồi của Vietinbank đã tốt như 5 năm nữa".

Từ năm 2009 đến nay, cước vận tải thế giới giảm chỉ còn 30-40% so với trước, đây cũng là một trong những khó khăn nổi bật với Vinalines thời gian qua.

Kinh tế thế giới năm 2015 được dự đoán khởi sắc hơn, các thị trường Mỹ, Nhật Bản khả quan hơn, thị phần vận tải và hoạt động của Vinalines từ đó cũng nhận được những kỳ vọng tích cực.

Hệ thống tổ chức tín dụng thời gian qua rất nỗ lực trong khắc phục nợ xấu, nhưng vì nhiều lý do mà các giải pháp trích lập dự phòng rủi ro, phát mại tài sản và bán nợ cho VAMC vẫn chưa ghi nhận nhiều kết quả. Mục tiêu năm 2015 của NHNN là đưa nợ xấu về 3%. Từ thương vụ Vietinbank và Vinalines, không phải không có lý do để cho rằng, cơ cấu nợ thành cổ phần sẽ là một giải pháp được nhắc đến nhiều hơn thời gian tới.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước