Hơn 100.000 tỷ đồng dư nợ sẽ được ưu đãi lãi suất 3 - 4%/năm

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 26/09/2021 10:43 GMT+7

VTV.vn - Với gói 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, dự kiến sẽ có khoảng hơn 100.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi lãi suất 3 - 4%/năm được "bơm" ra nền kinh tế.

Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động. Trong văn bản gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi đầu tháng 7, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất giảm đồng loạt 2% lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp trong ít nhất một năm. Trong đó, ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%.

Liên quan đến giải pháp cấp bù lãi suất này, mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và giải pháp hỗ trợ dựa trên chi phí lao động.

Tối 25/9, chia sẻ tại Đối thoại "Gói hỗ trợ lãi suất: Vốn phải đến đúng đích" do VnEconomy tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100.000 tỷ đồng sẽ được ngành ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hiện các ngân hàng đã thực hiện hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên 26.000 tỷ đồng.

"Rút kinh nghiệm trước đây, có lẽ tới đây khi xây dựng cơ chế chính sách, chúng ta sẽ tính toán đến các mục tiêu và mục tiêu quan trọng nhất lúc này là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", ông Tuấn Anh nói.

Hơn 100.000 tỷ đồng dư nợ sẽ được ưu đãi lãi suất 3 - 4%/năm - Ảnh 1.

Sắp có gói hỗ trợ lãi suất trên 100.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp ảnh hưởng COVID-19.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh thì "quy mô này vẫn quá nhỏ, không thấm vào đâu để tạo ra sức bật giúp nền kinh tế phục hồi rõ nét".

Do đó, ông Nghĩa cho rằng, gợi ý của Chủ tịch Quốc hội nên được thảo luận một cách nghiêm túc. Thứ nhất, cần biện pháp mang tính chất vĩ mô từ hai phía, đó là ngân hàng trung ương cộng với các biện pháp hỗ trợ từ ngân sách, để bớt nặng để cho cả hai bên.

Hiện nay, Chính phủ, Quốc hội đã áp dụng nhiều chính sách cứu trợ doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu không đủ, mặc dù có nhiều tổ chức hạ đến 3 lần lãi suất từ năm 2020 năm nay. Vì vậy, gói kích thích lãi suất này phải tạo ra một dấu ấn riêng.

Theo đề xuất của ông Nghĩa, có thể dùng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương tạo hiệu ứng giảm mặt bằng lãi suất chung chẳng hạn, 1%/năm. Cộng với gói kích thích lãi suất này, đâu đó 2-3%/năm, tạo nên một hiệu ứng giảm lãi suất tương đối rõ rệt cho các doanh nghiệp, có thể lên đến 4%.

Ông Nghĩa cho rằng, Bộ Tài chính có thể tính toán phát hành trái phiếu để vay của dân chúng hoặc vay của ngân hàng trung ương. Hiện nay, dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương rất lớn, gấp tới 4 lần dự trữ ngoại tệ năm 2009.

Ngoài ra, ông Nghĩa đặt thêm vấn đề: "Nếu tiếp cận theo Luật Các tổ chức tín dụng, thì số lượng doanh nghiệp tiếp cận rất ít, một là không có nợ xấu, hai là đảm bảo doanh thu, ba là có lợi nhuận, bốn là có tài sản đảm bảo".

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng "cần tạo ra khung khổ pháp lý thực sự cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu giảm, lợi nhuận có thể âm, lỗ, không có tài sản đảm bảo, đề tiếp cận được gói hỗ trợ. Phải có quy chế đặc biệt, để không ảnh hưởng đến Luật Các tổ chức tín dụng". Gói này áp dụng đại trà, bình đẳng, chứ không phân biệt nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, không phân biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, việc kéo dài gói hỗ trợ này trong vòng bao lâu để sau khi kết thúc thì giải tán quy chế này cũng cần được tính toán. Ngân sách và các ngân hàng thương mại cũng phải thanh toán món này cho sòng phẳng, chứ không phải trừ vào thuế doanh nghiệp, chẳng khác đi "đem đá ném xuống ao bèo", không đâu vào đâu, theo chuyên gia.

Doanh nghiệp kỳ vọng sớm được giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu Doanh nghiệp kỳ vọng sớm được giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu

VTV.vn - Ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với 16 tổ chức tín dụng và thống nhất giảm lãi suất cho vay, từ 0,5% đến 2,5% cho từng khoản vay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước