Trước khi giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Việt luôn duy trì 350 công nhân viên để đảm bảo cung ứng thực phẩm thiết yếu cho thị trường. Tuy nhiên do cơ sở sản xuất đang nằm trong vùng 1 theo phân vùng chống dịch của thành phố Hà Nội, số lượng nhân viên đã giảm một nửa. Vì vậy sản xuất gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng tăng, năng suất lao động lại giảm.
"Năng suất lao động ước tính giảm đến 30 - 40% so với trước đây. Các chi phí đều tăng lên nhiều. Đối tác của chúng tôi ở các tỉnh, do thủ tục thay đổi nên việc vận chuyển hàng từ các tỉnh về đây gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khâu nhập hàng", ông Đào Ngọc Nam, Chủ tịch HĐQT Công Ty Cổ Phần Tập đoàn An Việt, chia sẻ.
Trong khi đó, Tổng Công ty May 10 nằm trên địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội, nơi được quy định là vùng 2 kể từ ngày 6/9. Vùng 2 sẽ không bị kiểm soát chặt như vùng 1 nên với doanh nghiệp, đây được coi là tín hiệu tích cực, vì tiến độ các đơn hàng xuất khẩu được đảm bảo trở lại.
Hơn 50% doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất kinh doanh trở lại, số còn lại vẫn khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Khi bị ảnh hưởng như vậy, giải pháp của chúng tôi là phải tổ chức sắp xếp linh hoạt để vẫn duy trì ở mức tối thiểu các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình nhằm giảm thiểu thiệt hại; làm thế nào để khách hàng đánh giá đây chỉ là khó khăn trong ngắn hạn. Tính toán kế hoạch sản xuất để làm gọn từng đơn hàng, từng mã hàng để cứ xong từng đơn hàng là chúng tôi có thể xuất khẩu được", Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho hay.
Hiện vẫn còn một số bất cập trong những ngày đầu thực hiện phân vùng sản xuất như: quy định cấp giấy đi đường có mã QR, các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng máy móc không được hoạt động khiến sản xuất công nghệ cao gặp khó. Tuy nhiên, theo đánh giá của các hiệp hội, việc phân vùng kiểm soát dịch là hợp lý, giúp các doanh nghiệp ở khu vực vùng ven Hà Nội khắc phục việc đứt gãy chuỗi sản xuất.
"Hơn 50% doanh nghiệp có thể ổn định sản xuất kinh doanh trở lại, số còn lại vẫn khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường vì có doanh nghiệp đang ở vùng đỏ, trong khi người lao động đang ở vùng xanh. Các doanh nghiệp phải thường xuyên xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên của mình và báo cáo chính quyền địa phương, hợp tác với cơ quan công quyền", ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, cho biết.
Để có thể khôi phục sản xuất an toàn, doanh nghiệp tại các vùng đều kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ chi phí xét nghiệm COVID-19 cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cấp giấy đi đường đúng tiến độ; đồng thời thống nhất các quy định phòng dịch để doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất trong bối cảnh khó khăn chồng khó khăn như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!