Giãn, hoãn nợ là một cách để giúp duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề sống còn đối với nhiều doanh nghiệp lúc này vì dòng tiền được ví như dòng máu nuôi sống cơ thể.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời hạn cơ cấu nợ hơn. Điều này thực sự cần thiết và có ý nghĩa với doanh nghiệp vào lúc này.
Ngay sau khi dự thảo được công bố, cộng đồng mạng đã có nhiều tiếng nói, phần lớn ủng hộ, còn các doanh nghiệp đang mong chờ dự thảo sớm được thông qua.
Trên thực tế, hơn 1 tháng sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam vào năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã có bước "phản ứng nhanh". Giữa tháng 3/2020, Thông tư 01 được ban hành, cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho người đi vay bị ảnh hưởng bởi dịch.
Giãn, hoãn nợ là một cách nhằm giúp duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Một năm sau, Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung, cũng đã được áp dụng. Tuy nhiên, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã đặt nhiều doanh nghiệp vào tình huống "báo động đỏ" và cần sự hỗ trợ.
"Tôi được hoãn trả tiền gốc và lãi trong 4 tháng dịch bệnh. Tuy nhiên, số tiền gốc và lãi của 4 tháng này sẽ cộng dồn và chia đều, phải trả trong tối đa 8 tháng tiếp theo nên áp lực trả nợ vẫn rất lớn", một tài khoản mạng chia sẻ.
"Yếu tố quan trọng để các ngân hàng thương mại quyết định cơ cấu nợ cho khách hàng là phải chứng minh được phương án phục hồi và trả nợ khả thi sau cơ cấu. Với nhóm bị ảnh hưởng nặng nề như doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng thì việc này là rất khó", một tài khoản khác bình luận.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ với các khoản vay phát sinh trước ngày 1/8/2021, mở rộng hơn so với mốc 10/6/2020 hiện nay. Ước tính có khoảng 600.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ nếu dự thảo trên được thông qua.
"Năm ngoái, tôi mua xe trả góp ngân hàng, nhưng tình hình dịch bệnh không có thu nhập. Giờ được ngân hàng cho tạm ngưng trả nợ và cộng dồn tháng ngưng thì thật mừng quá", một tài khoản bày tỏ.
"Được giãn, hoãn nợ thì tốt quá, doanh nghiệp sẽ có thêm vốn để xoay vòng sản xuất, nhưng hiện ngân hàng vẫn tính lãi ngay cả với dư nợ được cơ cấu. Tôi đề xuất được khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ được cơ cấu lại", một tài khoản khác cho hay.
Về đề xuất gia hạn các khoản nợ, nợ gốc hoặc lãi đến hạn thanh toán, thời gian cũng được kéo dài đến cuối tháng 6/2022, thay vì chỉ đến cuối năm nay. Hiện nhiều ý kiến cho rằng, đợt bùng dịch lần thứ 4 tác động đến mọi mặt của nền kinh tế, không phân biệt đối tượng, ngành nghề, nên có thể tính kéo dài thêm thời hạn này, thay vì chỉ thêm 6 tháng như đề xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!