Hướng tới kiểm kê nhà kính trong chăn nuôi

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 20/08/2024 20:55 GMT+7

VTV.vn - Việc khuyến khích thay vì bắt buộc các cơ sở chăn nuôi phải vào danh sách kiểm kê khí nhà kính là phù hợp với trình độ phát triển chăn nuôi của Việt Nam giai đoạn hiện tại

Sau văn bản kiến nghị của Hiệp Hội Chăn nuôi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật. Trong đó,các cơ sở chăn nuôi chưa phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Từ tháng 10 này, hơn 2.000 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024 thuộc lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, xây dựng và tài nguyên, môi trường. Việc khuyến khích thay vì bắt buộc các cơ sở chăn nuôi phải vào danh sách kiểm kê khí nhà kính là phù hợp với trình độ phát triển chăn nuôi của Việt Nam giai đoạn hiện tại.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: "Tâm lý và tư tưởng là người chăn nuôi cảm thấy có sự chia sẻ của Nhà nước, chia sẻ của các Bộ ngành có liên quan.Thứ hai là giảm đi chi phí cho người ta rất lớn. Thứ ba là giảm phiền hà, khó khăn khi người ta còn đang xoay sở với những khó khăn của đầu vào chăn nuôi".

Chưa đưa vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính không có nghĩa chăn nuôi đứng ngoài cuộc giảm phát thải. Sau cam kết tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký phê duyệt Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án "Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi" là một trong 5 đề án trọng tâm của chiến lược. Đề án hướng chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn , giảm ô nhiễm, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng xanh.

Hướng tới kiểm kê nhà kính trong chăn nuôi - Ảnh 1.

Việc chưa đưa lĩnh vực chăn nuôi vào trong danh mục bắt buộc kiểm kê khí nhà kính được đánh giá là phù hợp vào thời điểm này

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Trước mắt là các doanh nghiệp lớn tiến hành thí điểm kiểm kê. Sau đó, chúng tôi rút kinh nghiệm để bổ sung làm sao cho người ta tiến hành đồng thời cùng với thủy sản và lâm nghiệp".

Hiện một số trang trại chăn nuôi bò sữa, trại giống lợn của các công ty, tập đoàn lớn có đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật tốt đã thực hiện được kỹ thuật kiểm kê và áp dụng nghiêm túc các quy trình giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để áp dụng trên diện rộng, theo nhiều doanh nghiệp, cột mốc từ năm 2030 sẽ thời điểm phù hợp để bắt buộc kiểm kê khí nhà kính.

Ông Nguyễn Văn Minh - Công ty Nông nghiệp BAF Việt Nam nêu ý kiến: "Các Bộ ngành liên quan nên có những phần chính sách cũng như các hướng dẫn, tuyên truyền cụ thể để cho các doanh nghiệp cũng như các trang trại tư nhân hiểu và áp dụng. Và nên có lộ trình".

Giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone không chỉ là con đường của Việt Nam mà là mục tiêu toàn cầu. Chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung sẽ không thể đảo ngược xu thế ấy. Nhưng cần có một lộ trình thích hợp, để các cơ sở chăn nuôi từng bước phát triển bền vững và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia.

Trước đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã đề xuất "Các cơ sở chăn nuôi có quy mô hàng năm từ 1.000 con bò trở lên hoặc 3.000 con lợn trở lên phải kiểm kê khí nhà kính". Đồng nghĩa sẽ có thêm gần 350 cơ sở chăn nuôi phải thực hiện quy định này.

Việc chưa đưa lĩnh vực chăn nuôi vào trong danh mục bắt buộc kiểm kê khí nhà kính được đánh giá là phù hợp vào thời điểm này. Bởi xét về các lĩnh vực khác như xây dựng, bảo vệ môi trường hay vấn đề về giao thông, đây là những lĩnh vực có thể triển khai trên diện rộng với quy mô công nghiệp, về cơ sở vật chất, nguồn lực về con người cũng như kinh phí, có thể thực hiện dễ hơn việc kiểm kê khí nhà kính. Còn thời điểm hiện tại, việc này sẽ giúp cho các đơn vị chăn nuôi sẽ có thêm động lực để phát triển. Bởi thời gian vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ, do giá lợn hơi cũng như rất nhiều loại chăn nuôi khác gặp hoàn cảnh khó khăn trong việc xuất bán đầu ra.

Trong số các lĩnh vực phải kiểm kê, có 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đó là các cơ sở thuộc các lĩnh vực: năng lượng, xây dựng, các quá trình công nghiệp, chất thải, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, giao thông vận tải... Nhiều doanh nghiệp, cơ sở vừa được bổ sung thêm vào danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Việc kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính là lộ trình đã được xác định trong Chiến lược chuyển đổi xanh giai đoạn 2021-2023 tầm nhìn 2050 của Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước