Phát biểu bên lề các hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, người đứng đầu bộ phận châu Âu của IMF, Alfred Kammer, cho rằng châu Âu có thể cầm cự trong sáu tháng nếu không có khí đốt của Nga, nhưng những tác động kinh tế sau đó sẽ nghiêm trọng.
Châu Âu phải nhập khẩu của Nga để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên và các nhà kinh tế của IMF đã đánh giá thiệt hại kinh tế nếu khu vực này mất nguồn cung từ Nga.
Ông Kammercho rằng, trong sáu tháng đầu tiên, châu Âu có thể ứng phó bằng các nguồn cung thay thế và sử dụng khí đốt dự trữ. Tuy nhiên, nếu khu vực này bị mất nguồn cung từ Nga cho đến mùa Đông và trong một giai đoạn dài hơn, những tác động đến nền kinh tế sẽ là đáng kể.
Các nước châu Âu đã cân nhắc việc cậm vận năng lượng của Nga, đáp trả chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, trong khi Nga cũng dừng xuất khẩu để phản ứng trước các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính phủ nước này.
IMF dự báo tổng thiệt hại nếu mất nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga đối với Liên minh châu Âu (EU) là 3% GDP, tùy thuộc vào sự khắc nghiệt của mùa Đông. Ông Kammer kêu gọi các giải pháp nhằm chuẩn bị cho khả năng đó.
Theo ông, không có một lựa chọn duy nhất mang lại hiệu quả cao mà cần có nhiều biện pháp nhỏ để đạt được tác động lớn như tìm kiếm các nguồn cung thay thế như nhiều nước đã bắt tay vào.
Ông Kammer hối thúc các nước trong khu vực thực hiện các biện pháp nhằm giảm nhẹ tác động như giảm mức tiêu thụ để tăng cường dự trữ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!