Dự báo của IMF
IMF cho rằng Mỹ là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng vượt giai đoạn trước đại dịch, nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh cho thấy vẫn có rủi ro gia tăng lạm phát.
Bà Georgieva nói nguy cơ gia tăng lạm phát là đáng chú ý. Fed cần duy trì lãi suất ở các mức hiện nay cho ít nhất là đến cuối năm. Fed đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% kể từ tháng 7/2023.
IMF dự báo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, số liệu lạm phát mà Fed ưu tiên theo dõi, sẽ ở mức khoảng 2,5% vào cuối năm nay và sẽ đạt mục tiêu 2% của Fed vào giữa năm 2025, sớm hơn dự báo của Fed là vào năm 2026.
Theo bà Georgieva, đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong chu kỳ tăng lãi suất của Fed là nhờ nguồn cung lao động và năng suất tăng. Bà nhấn mạnh đến việc cần có thêm dấu hiệu cho thấy lạm phát giảm xuống mức mục tiêu trước khi Fed hạ lãi suất.
Nhận định lạc quan hơn của IMF về việc lạm phát sớm quay về mức mục tiêu là dựa trên các số liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt và nhu cầu tiêu dùng yếu hơn.
Bà Georgieva nói có nhiều yếu tố không chắc chắn hơn, nhưng tin tưởng Fed sẽ vượt qua và cho thấy sự thận trọng như trong năm ngoái.
Sự suy thoái của thị trường lao động Mỹ
Còn theo ông Andrew Hollenhorst, chuyên gia trưởng về kinh tế Mỹ của ngân hàng Citigroup, thị trường lao động xấu đi sẽ là nguyên nhân khiến tình hình sức khỏe của nền kinh tế Mỹ nhanh chóng trở nên đáng quan ngại. Trên thực tế, ông nhận thấy sẽ có sự thay đổi đột ngột trong tình hình kinh tế Mỹ vào cuối năm nay.
Chuyên gia trên cho hay các công ty đang hạn chế tuyển dụng hơn, cũng như yêu cầu công nhân làm việc ít giờ hơn. Vì vậy, quá trình suy yếu kinh tế dần dần này đã bắt đầu. Xu hướng này sẽ ngày một lan rộng và có thể đẩy nền kinh tế rơi vào kết thúc "hạ cánh cứng".
Mặc dù dữ liệu thị trường lao động gần đây không nhất thiết chỉ ra tình huống nghiêm trọng như vậy, ông Hollenhorst lập luận rằng một số báo cáo cho thấy một môi trường bi quan hơn nhiều người có thể nhận ra. Hạ cánh cứng là một viễn cảnh rắc rối vì có thể xảy ra một cuộc suy thoái toàn diện.
Ông Hollenhorst trích dẫn dữ liệu khảo sát từ Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia Mỹ (NFIB) rằng ý định tuyển dụng của các doanh nghiệp nhỏ đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016. Và nếu nhìn vào tổng thể nền kinh tế, tỷ lệ tuyển dụng hiện nay đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014. Nói cách khác, các doanh nghiệp Mỹ đang có tỷ lệ tuyển dụng thấp nhất trong một thập kỷ.
Mặc dù dữ liệu của NFIB đã thúc đẩy tâm lý thận trọng trong một thời gian, nhưng chuyên gia Hollenhorst cho biết, mức giảm tuyển dụng lao động mạnh gần đây so với những tháng trước khiến những số liệu này đáng được chú ý.
Ngay cả khi nhìn nhận một cách toàn diện, vẫn có lý do để lo lắng. Ông Hollenhorst lập luận rằng mặc dù tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc vẫn ở mức khoảng 3,9% nhưng con số này vẫn chênh lệch lớn so với mức thấp trước đó là 3,5%.
Các nhà phân tích khác cũng lên tiếng cảnh báo khả năng kinh tế Mỹ "hạ cánh cứng" vì sự suy thoái của thị trường lao động. Nhà dự báo kỳ cựu Danielle DiMartino Booth cho biết, số lượng việc làm bị cắt giảm mạnh cho thấy một cuộc suy thoái đã đến.
Báo cáo công bố gần đây cho thấy doanh số bán lẻ giảm đối với 7 trong số 13 sản phẩm. Đa phần chi tiêu là cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và xăng, thay vì cho các hàng hóa không thiết yếu.
Doanh số bán lẻ giảm sau hai tháng trước tăng mạnh, cho thấy lãi suất cao và ngân sách eo hẹp có thể khuyến khích người tiêu dùng hạn chế chi tiêu cho hàng hóa không thiết yếu.
Khoảng 2/3, tương đương 65% số người trưởng thành ở Mỹ được CNBC/SurveyMonkey khảo sát vào mùa Xuân này cho biết lạm phát là nguyên nhân chính gây ra tình trạng căng thẳng tài chính của họ. Gần một nửa trong số những người tham gia khảo sát cảm thấy họ đang ở trong tình trạng tài chính nghiêm trọng hơn so với 5 năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!