Theo quy định mới của EU, dầu cọ - cũng như các hàng hóa khác sẽ bị cấm bán nếu liên quan tới hoạt động phá rừng. Các nhà nhập khẩu sẽ phải chứng minh sản phẩm của họ không gây phá hủy rừng.
Quy định trên, vốn được đồng thuận vào tháng 12/2022, đã đối mặt với sự phản đối kịch liệt của Indonesia và Malaysia - hai nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới.
EU là thị trường tiêu thụ dầu cọ lớn thứ ba trên thế giới. Năm 2022, EU tiêu thụ 1,47 triệu tấn, chiếm 9,4% xuất khẩu dầu cọ của Malaysia.
Một nhà máy chế biến dầu cọ, ở Bogor Regency ở Tây Java, Indonesia. Ảnh: Bloomberg
Trước đó, CPOPC - tổ chức do Indonesia và Malaysia đứng đầu, đã cáo buộc EU không công bằng đối với dầu cọ.
Tại cuộc hội đàm song phương hôm 9/1, Tổng thống Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng đã nhất trí "đấu tranh chống phân biệt đối xử với dầu cọ" và tăng cường hợp tác thông qua CPOPC.
Trong khi đó, Đại sứ EU tại Malaysia Michalis Rokas cho hay khối này sẽ không cấm nhập khẩu dầu cọ từ Malaysia và bác bỏ rằng luật chống phá rừng tạo ra rào cản đối với xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này.
Ông Michalis khẳng định điều luật được áp dụng bình đẳng đối với hàng hóa sản xuất ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả các quốc gia thành viên EU và nhằm đảm bảo rằng việc sản xuất hàng hóa không dẫn tới nạn phá rừng và suy thoái rừng thêm nữa. Mặt khác, nhu cầu dầu cọ của EU dự kiến sẽ giảm đáng kể trong 10 năm tới, ngay cả trước khi luật mới được thông qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!