Tác động tiêu cực từ việc Indonesia dừng xuất khẩu dầu cọ

Thanh Hiệp-Thứ sáu, ngày 29/04/2022 15:02 GMT+7

VTV.vn - Ngày 28/4, Indonesia - nhà cung cấp dầu cọ lớn nhất thế giới, đã quyết định tạm dừng xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn với thời hạn không xác định.

Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh giá dầu ăn tại nước này đã tăng mạnh hơn 40% kể từ đầu năm tới nay. Người dân Indonesia và các chuyên gia kinh tế đã đón nhận quyết định này với những phản ứng trái ngược.

Các chủ quầy hàng kinh doanh thực phẩm tại thủ đô Jakarta đã bày tỏ sự hoan nghênh động thái mới của chính phủ Indonesia. Nhiều người hy vọng lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ sẽ giúp "hạ nhiệt" giá dầu ăn, vốn đã tăng vọt trong năm nay, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.

"Tôi đồng tình với chính sách này, điều đó sẽ giúp giá dầu ăn sớm trở lại bình thường", ông Sandri, chủ cửa hàng ăn, cho biết.

Tác động tiêu cực từ việc Indonesia dừng xuất khẩu dầu cọ - Ảnh 1.

Người dân Indonesia mua dầu ăn làm bằng dầu cọ tại một siêu thị ở Jakarta, ngày 27/3/2022. (Ảnh: Reuters)

"Tôi hy vọng giá dầu sẽ ổn định dần và không tăng thêm nữa. Những người dân nghèo sẽ rất khó xoay xở nếu giá cả tăng trở lại", chị Yuli, chủ cửa hàng ăn, bày tỏ.

Chính phủ Indonesia cho biết, lệnh cấm sẽ chỉ được dỡ bỏ khi giá dầu ăn giảm từ mức 20.000 Rupiah/lít (khoảng 31.000 đồng) hiện nay xuống còn 14.000 Rupiah/lít (khoảng 22.000 đồng). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù có thể hỗ trợ bình ổn thị trường, lệnh cấm cũng sẽ gây ra một số tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

"Thực tế, việc cấm xuất khẩu dầu cọ thô và dầu ăn sẽ khiến doanh thu xuất khẩu sụt giảm mạnh. Xuất khẩu dầu cọ hiện đóng góp hơn 12% xuất khẩu phi dầu khí của Indonesia, mang lại hơn 3 tỷ USD/tháng. Việc mất đi nguồn thu này sẽ khiến đồng Rupiah bị tổn hại, gây bất ổn cho hệ thống tài chính tại Indonesia và ảnh hưởng đến dự trữ tiền tệ trong dài hạn", ông Bhima Yudhistira, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp Indonesia, đánh giá.

Trước đó, tình trạng khan hiếm dầu ăn và giá cả tăng cao kỷ lục, khi nguồn cung dầu hướng dương sụt giảm do cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã buộc nhiều quốc gia phải chuyển hướng sang sử dụng sản phẩm thay thế là dầu cọ.

Hiện, với lệnh cấm của Indonesia - quốc gia đóng góp 1/3 lượng dầu ăn xuất khẩu toàn cầu, lạm phát giá lương thực, thực phẩm được dự báo sẽ còn gia tăng mạnh hơn nữa, ảnh hưởng đến đời sống người dân tại nhiều quốc gia.

Thế giới nguy cơ thiếu dầu ăn Thế giới nguy cơ thiếu dầu ăn

VTV.vn - Tình trạng thiếu hụt hàng hóa đang làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ khủng hoảng nguồn cung dầu ăn trên quy mô toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước