Theo Reuters, hãng Intel sẽ đầu tư hơn 7 tỷ USD để xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip mới tại Malaysia. CEO của Intel, ông Pat Gelsinger nhà máy mới tại Malaysia nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu. Dự kiến nhà máy mới của Intel sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024.
Chính phủ Malaysia cho biết khoản đầu tư 30 tỷ ringgit (7,1 tỷ USD) dự kiến sẽ tạo ra hơn 4.000 việc làm cho Intel và hơn 5.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng.
“Cam kết đầu tư của Intel vô cùng kịp thời trong bối cảnh thiếu hụt chip, cũng như các thách thức tiềm tàng đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19”, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Quốc tế của Malaysia Mohamed Azmin Ali cho biết.
Malaysia chiếm khoảng 13% hoạt động thử nghiệm và đóng gói lắp ráp chip toàn cầu. Ước tính 7% thương mại chất bán dẫn của thế giới đi qua quốc gia này.
Nhà máy mới của Intel tại Malaysia dự kiến sẽ tạo ra khoảng 9.000 việc làm và bắt đầu đi vào sản xuất trong năm 2024
CEO Intel Pat Gelsinger dự báo tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2023. “Ngành công nghiệp bán dẫn năm nay sẽ phát triển nhanh hơn so với hai đến ba thập kỷ qua. Nhưng vẫn còn những khoảng cách lớn. Tôi dự đoán rằng sự thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài đến năm 2023”, ông Pat Gelsinger nhận định
Sau Malaysia, ông Pat Gelsinger cho biết Intel hy vọng sẽ công bố các địa điểm đặt nhà máy tiếp theo tại Mỹ và Châu Âu trong đầu năm 2022.
Cách đây ít ngày, Tổ chức phi lợi nhuận World Semiconductor Trade Statistics (WSTS) đã công bố dự báo mới nhất về nhu cầu linh kiện bán dẫn toàn cầu trong năm 2022. Trong đó cho rằng nhu cầu chip điện tử toàn cầu sẽ tăng 8,8% lên mức cao kỷ lục mới trong năm tới, sau mức tăng kỷ lục 25,6% của năm nay.
Cụ thể, WSTS dự báo thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 601,49 tỷ USD vào 2022, sau khi đạt mức dự báo 552,96 tỷ USD vào năm 2021. Châu Mỹ được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu chip điện tử toàn cầu vào năm 2022 với mức tăng là 10,3%, tiếp theo là Nhật Bản, 9.3%, khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản), 8,4% và châu Âu 7,1%.
Trong thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu chip nhớ của ngành sản xuất máy tính bàn, máy tính xách tay, máy chơi game, cũng như các thiết bị Wi-Fi đáp ứng nhu cầu đặc biệt tăng cao khi con người chuyển đổi sang hình thức học tập, làm việc trực tuyến và giải trí tại nhà trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!