Theo hãng tin Reuters, trong một thông báo được công bố sau cuộc họp nội các, Chính phủ Italy đã khẳng định, mục tiêu thâm hụt ngân sách vẫn dừng ở mức 2,4% GDP và dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Italy sẽ là 1,5%. Tuy nhiên, quá trình bán các tài sản công sẽ được đẩy nhanh, trong khi hoạt động chi tiêu công được giám sát chặt chẽ.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cảnh báo rằng, các biện pháp kích thích kinh tế có thể khiến nền kinh tế Italy trở nên dễ tổn thương hơn với mức lãi suất tăng cao, thậm chí có thể lún sâu vào suy thoái. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ phải quyết định xem, liệu có nên khởi động một tiến trình dài và phức tạp đối với vấn đề ngân sách của Italy hay không.
Theo Bloomberg, với việc không tuân thủ các quy định của EU, Italy có thể sẽ phải đối mặt với án phạt từ 0,2 - 0,7% GDP của nước này, điều chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, các biện pháp cứng rắn cũng có thể sẽ gây ra những tác động tiêu cực, không chỉ đối với kinh tế Italy mà với cả khu vực thị trường chung châu Âu là điều EU không hề mong muốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!