Jack Ma giữa trung tâm "cơn bão" với các công ty fintech Trung Quốc

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 26/12/2020 13:36 GMT+7

VTV.vn - Gần đây, Jack Ma liên tục xuất hiện trên các báo, khi trở thành nhân vật tâm điểm bị Chính phủ Trung Quốc để mắt tới trong đợt thắt chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ.

Jack Ma - từ doanh nhân thành đạt đến hình mẫu của giới trẻ

Hình ảnh của Jack Ma từ lâu đã không còn chỉ gói gọn trong vai trò một doanh nhân thành đạt, mà đã trở thành một ngôi sao truyền thông, hình mẫu trong mắt giới trẻ.

Trước đây, bản thân giới chức Trung Quốc cũng rất coi trọng những đóng góp của Jack Ma với nền công nghệ nước này. Ông là một trong số ít các doanh nhân công nghệ vinh dự được tôn vinh trong lễ kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa của nước này.

Tuy nhiên đến thời điểm này, dường như nhà đồng sáng lập Alibaba đã đi quá xa trong vai trò doanh nhân của mình. Bài phát biểu của ông tại hội nghị Bund Summit tại Thượng Hải hồi tháng 10 được báo chí bình luận là đã khởi đầu cho một "cơn bão" nhằm vào giới công nghệ Trung Quốc.

"Vấn đề lớn nhất của ngành tài chính Trung Quốc hiện nay không phải là rủi ro, mà là chưa có một hệ sinh thái hoàn thiện. Các ngân hàng hoạt động với tư duy như tiệm cầm đồ, chỉ cho những khách hàng có đảm bảo vay tiền", ông Jack Ma, nhà đồng sáng lập Alibaba & Ant Group, nói.

Chỉ ít ngày sau phát biểu này, một loạt quy định mới quản lý giới công nghệ đã được Chính phủ Trung Quốc ban hành. Vụ IPO kỷ lục thế giới của Ant phải hoãn ngay trước giờ G. Vốn hóa của Alibaba bị "thổi bay" gần 140 tỷ USD do các án phạt chống độc quyền.

Jack Ma giữa trung tâm cơn bão với  các công ty fintech Trung Quốc - Ảnh 1.

Tỷ phú Jack Ma. (Ảnh: Bloomberg)

Giới chức Trung Quốc phủ nhận phát biểu của Jack Ma là cái cớ để họ siết chặt giám sát công nghệ. Tuy nhiên rõ ràng, chúng là lời cảnh báo cứng rắn rằng, Bắc Kinh sẽ không nương tay với những nhân tố gây bất ổn nền kinh tế, ngay cả khi đó là những đứa "con cưng" của họ.

Jack Ma: Nếu các ngân hàng không chịu thay đổi, thì chúng tôi sẽ thay đổi ngân hàng

Trung Quốc có hơn 300 tỷ phú nhưng có lẽ Jack Ma là tỷ phú nổi tiếng nhất. Về mặt kỹ thuật, thực tế Jack Ma đã nghỉ hưu khi ông từ chức Chủ tịch của Tập đoàn Alibaba vào tháng 10/2019. Tuy nhiên gần đây, ông liên tục xuất hiện trên các trang báo, khi trở thành nhân vật tâm điểm bị Chính phủ Trung Quốc để mắt tới trong đợt thắt chặt kiểm soát với các tập đoàn công nghệ lần này.

Ant Group không phải là đối tượng duy nhất. Từ lâu Bắc Kinh đã để mắt tới sự phát triển quá nhanh, quá mạnh của những ứng dụng fintech như Alipay hay Wechat Pay. Nếu nhìn vào quy mô của ngành fintech tại Trung Quốc, thì có thể thấy những ứng dụng tài chính của Ant Group hay Tencent đã thực sự trở thành người gác cửa vào thị trường thanh toán, gửi tiền và cho vay của quốc gia tỷ dân này.

10 năm trước, cựu Chủ tịch Alibaba Jack Ma đã từng nói rằng: "Nếu các ngân hàng không chịu thay đổi, thì chúng tôi sẽ thay đổi ngân hàng". Có thể nói tới thời điểm này, Ant Financial services đã và vẫn đang làm được điều đó.

Ant Financial là một hệ sinh thái các công ty công nghệ tài chính fintech, trong đó Alipay đã có đủ chức năng chính của ngân hàng là thanh toán, huy động tiền gửi và cho vay.

Tính riêng khoảng 3 năm qua, lượng người dùng Alipay toàn cầu đã tăng trưởng, đạt 1,2 tỷ người dùng.

"Ngay từ đầu chúng tôi nhắm tới các đối tượng người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ. Cũng giống như biểu tượng của chúng tôi là những chú kiến, khi tập hợp lại sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết có thể húc đổ những con voi", ông Trần Lượng, Giám đốc Ban Quan hệ Công chúng, Ant Financial Services, Công ty mẹ của Alipay, chia sẻ.

Thực tế, sự bùng nổ của fintech đã "húc đổ" hơn 700.000 máy rút tiền của ngân hàng truyền thống khắp Trung Quốc. Những chiếc còn lại cũng chỉ còn cầm cự lay lắt.

Dịch vụ miễn phí của fintech cũng buộc các ngân hàng truyền thống phải cắt bỏ hoàn toàn các loại phí chuyển khoản, phí thường niên.

Trước áp lực từ những "kẻ phá đám" fintech, những ngân hàng truyền thống vốn ở vị trí thống trị đang buộc phải tiến hóa, nếu không muốn chỉ còn là cái bóng của quá khứ hoàng kim.

Trung Quốc điều tra chống độc quyền với Alibaba

Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp khá là mạnh tay đối với giới fintech. Ví dụ như ngay trong đêm Giáng Sinh, món quà không ai muốn nhận đã tới với Alibaba khi Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc cho biết họ chính thức điều tra cáo buộc độc quyền với tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, đồng thời triệu tập cuộc họp với Công ty tài chính Ant Group do tỷ phú Jack Ma sáng lập.

Jack Ma giữa trung tâm cơn bão với  các công ty fintech Trung Quốc - Ảnh 2.

Cơ quan giám sát thị trường Trung Quốc chính thức điều tra cáo buộc độc quyền với tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. (Ảnh: Bloomberg)

Theo báo South China Morning Post, cơ quan chức năng, bao gồm ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng tại Trung Quốc, sẽ có cuộc họp cấp cao với Ant Group, với nội dung tập trung vào các quy định tài chính được mô tả ngày càng nghiêm ngặt, vốn có thể đe dọa sự phát triển của công ty dịch vụ tài chính trực tuyến lớn nhất thế giới này.

Đây chỉ là động thái mới nhất trong một chiến dịch thắt chặt kiểm soát đã kéo dài được một thời gian.

Hết thời các ông lớn fintech Trung Quốc "làm mưa làm gió"?

Ngày 3/11, Ant Group đã buộc phải tạm hoãn kế hoạch IPO tại 2 sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) trước sức ép từ cơ quan quản lý. Đây được coi là đòn giáng mạnh vào tham vọng của không chỉ riêng Ant Group mà cả các công ty công nghệ tài chính Trung Quốc, vốn đang phát triển rất mạnh mẽ trong nhiều năm qua, liên tục cạnh tranh với các ngân hàng truyền thống.

"Các công ty công nghệ tài chính đang cạnh tranh trong những mảng kinh doanh như tiền gửi, cho vay với các ngân hàng thương mại. Tất cả các công ty này đều thuộc sở hữu tư nhân, và đang đe dọa sự tồn tại của các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước", ông Francis Lun, Giám đốc điều hành công ty chứng khoán Geo, cho biết.

Jack Ma giữa trung tâm cơn bão với  các công ty fintech Trung Quốc - Ảnh 3.

Tháng trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh hoãn thương vụ IPO "bom tấn" của Ant Group. (Ảnh: Bloomberg)

Mới đây, một số quan chức Trung Quốc cũng đề xuất giới hạn số lượng ngân hàng mà một nền tảng công nghệ tài chính có thể hợp tác. Biện pháp giới hạn này nhằm ngăn cản việc một công ty công nghệ tài chính thâu tóm quá nhiều thị phần, từ đó làm gia tăng những rủi ro về nợ xấu.

"Số lượng ngân hàng có thể liên kết với một nền tảng công nghệ tài chính sẽ bị giới hạn, để đảm bảo có thêm nhiều nền tảng công nghệ được hoạt động kinh doanh trong môi trường, điều kiện như nhau. Một nền tảng không nên phát triển lớn mạnh quá mức hoặc có thể thâu tóm tất cả", ông Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, cho hay.

Theo các chuyên gia, những động thái cứng rắn trên cho thấy, quãng thời gian được tạo điều kiện thoải mái phát triển của các công ty công nghệ tài chính đã kết thúc.

"Thời đại của tăng trưởng một cách dễ dàng và nhanh chóng thực sự đã kết thúc. Hiện, sự tăng trưởng của các công ty công nghệ sẽ bị hạn chế đáng kể bởi chính phủ. Chính phủ sẽ quyết định doanh nghiệp có thể làm gì và không được làm gì", ông Francis Lun nhận định.

Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc cũng thúc đẩy quá trình đổi mới tại các ngân hàng truyền thống nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh với các hãng công nghệ tài chính. Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các ngân hàng đang tăng cường ứng dụng công nghệ blockchain trong hoạt động cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản lý rủi ro và hoạt động hiệu quả hơn.

Tại sao Trung Quốc lại “quay lưng” với Jack Ma? Tại sao Trung Quốc lại “quay lưng” với Jack Ma?

VTV.vn - Từ một người được yêu mến ở Trung Quốc, Jack Ma đã trở thành một "tội đồ" bị công chúng Trung Quốc quay lưng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước