Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về triển vọng ký kết của hiệp định thương mại quốc tế quan trọng này.
Tính đến hết năm 2014, đàm phán TPP đã trải qua 19 phiên đàm phán chính thức, nhiều phiên đàm phán cấp Trưởng đoàn, cấp Bộ trưởng và một số cuộc gặp cấp cao. Các nước đã kết thúc đàm phán các nội dung như Hợp tác và xây dựng năng lực; Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Vì sự phát triển, gắn kết môi trường chính sách, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng; Hải quan; Vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật; Viễn thông; Chính sách cạnh tranh (không bao gồm các vấn đề doanh nghiệp nhà nước).
Mặc dù đã đạt nhiều tiến triển trong đàm phán, nhưng đến nay, bước sang đầu năm 2015, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, “vẫn còn một số vấn đề quan trọng cần giải quyết. Đối với các vấn đề này, với sự tham gia trực tiếp của các Bộ trưởng, các nước đã xác định được hướng xử lý, tạo tiền đề cho việc kết thúc đàm phán”.
Với thực tế như vậy, đàm phán TPP đang bước vào giai đoạn kết thúc. Tại cuộc gặp các nhà Lãnh đạo các nước tham gia Hiệp định TPP tổ chức bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Bắc Kinh vào tháng 10/2014, các nhà Lãnh đạo đã đặt ra mục tiêu phấn đấu sớm kết thúc đàm phán. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm: “Sau cuộc gặp này, các nước tham gia Hiệp định TPP đã cụ thể hóa chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo bằng việc đặt ra mục tiêu kết thúc đàm phán toàn diện trong năm 2015 và đây là điều khả thi”.
Chính quyền Mỹ mới đây cũng cho thấy quyết tâm sớm ký kết các hiệp định quan trọng mà nước này đang theo đuổi như TPP. Trong thông điệp liên bang vào đầu năm 2015, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc Quốc hội trao cho ông quyền thúc đẩy thương mại (Trade Promotion Authority - TPA). TPA hay còn được gọi là quyền đàm phán nhanh cho phép Tổng thống ký kết các hiệp định thương mại và Quốc hội sẽ biểu quyết tán thành hoặc không mà không được thay đổi các nội dung của hiệp định.
Trong cuộc gặp gỡ báo giới thời gian gần đây, ông Ted Osius - tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói ông rất tin tưởng TPP sẽ được ký kết. Ông còn nhấn mạnh hiện ông thấy chắc chắn về việc này hơn cả thời điểm cách đây vài tháng. “Tôi biết chắc rằng các nhà lãnh đạo của Mỹ cam kết hoàn thành TPP. Tôi lạc quan về việc Thượng viện Mỹ sẽ trao cho Tổng thống quyền thúc đẩy đàm phán”, ông nói. “Tổng thống muốn trình TPP lên Quốc hội vào mùa xuân này và hy vọng Quốc hội sẽ bỏ phiếu trong mùa hè”.
Nếu tiến trình đàm phán kết thúc vào năm nay và Hiệp định TPP được ký kết, là một động thái đáng mừng và được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là về thương mại. Song, câu hỏi ngày càng được nhiều người quan tâm, đó là sau khi Hiệp định TPP được ký kết, nó sẽ tác động như thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam? Người dân sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định này như thế nào?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.